Cúm là bệnh nhiễm trùng mũi, họng và phổi cấp tính do virus cúm gây ra; lây lan từ người sang người qua giọt bắn khi hắt hơi, ho hay nói chuyện. Hiện nay có khá nhiều chủng cúm khác nhau và xu hướng thay đổi qua mỗi năm. Hầu hết những người khỏe mạnh hồi phục trong vòng vài ngày sau khi hệ thống miễn dịch loại bỏ virus. Tuy nhiên, người bệnh mạn tính như ung thư khi mắc cúm có khả năng tăng nặng, bệnh diễn biến phức tạp hơn.
TS.BS Trần Hải Bình, Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đối với bệnh nhân ung thư, các phương pháp điều trị như cấy ghép tủy xương, tế bào gốc, hóa trị hay xạ trị... đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc các biến chứng do cúm hơn như mất nước, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản phổi. Ngoài ra, các biến chứng nghiêm trọng khác cũng có thể xảy ra như viêm cơ tim, viêm màng não, viêm cơ, suy hô hấp, suy thận, viêm phổi nặng... Nhiễm virus cúm ở đường hô hấp kích hoạt phản ứng viêm nghiêm trọng trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.
Bệnh cúm có xu hướng kéo dài lâu hơn ở bệnh nhân ung thư so với người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Do vậy, nếu có các triệu chứng điển hình như ớn lạnh, sốt, sổ mũi, đau họng, đau nhức toàn thân..., người bệnh cần thăm khám ngay với các bác sĩ chuyên khoa. Các triệu chứng cúm thường bắt đầu xuất hiện từ 1-4 ngày sau khi tiếp xúc. Bệnh nhân ung thư cũng có thể dùng thuốc Tamiflu (có hoạt chất Oseltamivir phosphate) để điều trị khi có xét nghiệm dương tính với bệnh cúm. Đây là loại thuốc có tác dụng đối với nhiều chủng cúm nhất hiện nay.
Theo bác sĩ Bình, tiêm phòng vaccine cúm là biện pháp bảo vệ tốt nhất cho những người mắc bệnh ung thư nhằm ngăn ngừa các biến chứng và sự chậm trễ trong điều trị ung thư. Tiêm phòng cúm giúp người bệnh ít có khả năng mắc cúm hơn, giảm nguy cơ biến chứng và mau hồi phục nếu mắc bệnh. Bệnh nhân nên tiêm vaccine cúm trước khi bắt đầu điều trị ung thư hoặc cũng có thể tiêm vaccine bất cứ lúc nào trong quá trình hóa trị, tuy nhiên tốt nhất vẫn là giữa các chu kỳ.
Ở một số trường hợp, các biện pháp cấy ghép làm giảm số lượng tế bào miễn dịch trong cơ thể chống lại bệnh cúm. Do đó, người bệnh nên đợi từ 4-6 tháng sau khi cấy ghép hoặc tiêm vaccine cúm trước khi cấy ghép. Vaccine không được tiêm trong quá trình điều trị ung thư máu (như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và u tủy) và bác sĩ sẽ cho biết khi nào thích hợp để bệnh nhân tiêm vaccine sau khi điều trị xong.
Gia đình và người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng nên tiêm vaccine cúm để bảo vệ và tránh lây cúm cho bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch suy yếu. Ngoài tiêm chủng, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến nghị mọi người nên phòng ngừa cúm bằng nhiều biện pháp để giảm lây lan như: tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh; che miệng khi ho và hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước; làm sạch và khử trùng các bề mặt đồ vật có thể bị nhiễm virus cúm...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 3-5 triệu trường hợp mắc cúm nặng và khoảng 290.000-650.000 ca tử vong trên thế giới do cúm mỗi năm.
Gia Hưng
Nhằm tạo miễn dịch cộng đồng với bệnh cúm, đặc biệt bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC triển khai tiêm miễn phí 10.000 liều vaccine cúm cho người bệnh khám, điều trị (ngoại trú và nội trú) tại bệnh viện. Bên cạnh đó, người thân đi cùng hoặc đang chăm sóc người bệnh nội trú cũng được áp dụng chính sách ưu đãi giá 199.000 đồng một liều vaccine cúm. Chương trình diễn ra từ nay đến 31/3/2023, áp dụng tiêm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và TP HCM. Xem thêm thông tin chi tiết tại đây. |