Gạo lứt được coi là một sự thay thế lành mạnh cho gạo thông thường, chứa các khoáng chất như selen, canxi, mangan, magiê. Thực phẩm giàu chất xơ và folate, ít calo và carbs. Dưới đây là những lợi ích với sức khỏe của gạo lứt, theo Timesofindia.
Giảm cân: một trong những lý do lớn khiến gạo lứt được yêu thích trên thị trường có liên quan đến tác dụng giảm cân. Thực phẩm có thể hỗ trợ giảm cân vì hàm lượng chất xơ cao. Chất xơ giúp bạn no lâu hơn, góp phần điều chỉnh các hormone liên quan đến việc kiểm soát sự thèm ăn, do đó làm giảm cơn đói.
Kiểm soát tiểu đường: với hàm lượng carbohydrate thấp, tác động của gạo lứt đến mức insulin là tối thiểu. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể hưởng lợi bằng cách ăn gạo lứt hàng ngày. Gạo lứt thậm chí còn có chỉ số đường huyết (GI) thấp, có nghĩa là nó không làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến sau khi ăn. Theo WebMD, các nghiên cứu cho thấy rằng bằng cách ăn ba phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày như gạo lứt, bạn có thể giảm tới 32% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Điều chỉnh cholesterol: Gạo lứt giàu chất xơ, các nghiên cứu chỉ ra rằng một chế độ ăn giàu chất xơ có khả năng làm giảm mức cholesterol xấu.
Cải thiện sức khỏe tim mạch: nhiều chất dinh dưỡng trong gạo lứt giúp giữ cho trái tim khỏe mạnh. Đó là một nguồn thực phẩm giàu chất xơ, có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim. Gạo lứt cũng chứa hàm lượng magiê cao, có thể giúp bạn ít bị bệnh tim và đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn, bao gồm cả gạo lứt, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim tới 22% và nguy cơ đột quỵ lên tới 12%.
Gạo lứt là một nguồn giàu phenol và flavonoid, hai loại chất chống oxy hóa giúp giảm tổn thương tế bào và giảm nguy cơ lão hóa sớm. Thực phẩm cũng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất.
Mặt khác, các chuyên gia cũng khuyến cáo, mỗi người nên thay đổi thực phẩm trong khẩu phần ăn. Ăn một loại thực phẩm mỗi ngày, bạn sẽ hạn chế lượng chất dinh dưỡng, có nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng cao hơn. Nếu quyết định sử dụng gạo lứt là thực phẩm chính hàng ngày, hãy đảm bảo rằng bạn kết hợp thực phẩm với nhiều loại rau, bổ sung chế độ ăn uống đa dạng.
Gạo lứt chứa nhiều dinh dưỡng do không qua quá trình xay xát như gạo trắng nhưng gây khó khăn cho hệ tiêu hóa nếu ăn nhiều. Trẻ em, người cao tuổi, người thể trạng yếu, gầy gò, phụ nữ mang thai, những người đang bồi bổ sức khỏe nên ăn gạo trắng, ăn nhiều gạo lứt sẽ gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa.
Trong gạo lứt có chứa axit phytic, như một chất kháng dinh dưỡng, ngăn chặn khả năng hấp thụ các chất như sắt, kẽm và canxi vào cơ thể. Việc nạp một lượng lớn có thể dẫn đến sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
Lê Nguyễn