Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cơn đau tim (đột quỵ tim) là tình trạng đau đột ngột ở vùng ngực bên trái. Đây là tình trạng y tế cần phải cấp cứu, can thiệp sớm trong những giờ đầu, tránh biến cố tử vong, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân và giảm tổn thương tim mạch.
Do không khí lạnh mạnh liên tục tăng cường, miền Bắc đang trong những ngày rét đậm, rét hại. Sáng 29/1, hầu hết các tỉnh thành rét dưới 10 độ, trong đó Mẫu Sơn (Lạng Sơn) hơn 3 độ, Ba Vì (Hà Nội) hơn 7 độ C. Theo nghiên cứu trên Tạp chí Y học Anh, mỗi lần giảm 1 độ C vào bất kỳ thời điểm nào trong năm đều liên quan đến việc có thêm khoảng 200 người bị đau tim trong khoảng thời gian 28 ngày.
Giữ gìn sức khỏe tim mạch trong thời tiết lạnh là việc cần thiết, đặc biệt quan trọng với những người đang mắc các bệnh tim mạch. Tiếp xúc với thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ phản ứng của tim, gây ra cơn đau tim xuất hiện lần đầu hoặc các cơn đau có từ trước, nhưng sẽ kéo dài hơn hoặc đau nhiều hơn. Điều này được lý giải là do các mạch máu khi phản ứng với nhiệt độ thấp sẽ co lại, làm tăng huyết áp, giảm tuần hoàn, tăng nhịp tim, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến cơ quan khác trong cơ thể, gây căng thẳng cho tim, thậm chí nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim).
Để giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch, kiểm soát và phòng ngừa các cơn đau tim trong mùa lạnh, theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Bạch Yến, người bệnh cần thực hiện tốt những biện pháp như:
Mặc ấm: Chúng ta cần giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh như đội mũ, đi tất, đeo găng tay và khẩu trang, đặc biệt khi đi ra ngoài, tránh gió và tránh những nơi ẩm ướt. Bên cạnh đó, nên dừng những bài tập gây áp lực cho tim như chạy đường dài, những bài tập cường độ cao... Mỗi người không nên mặc quá ấm để tham gia hoạt động thể chất, việc này sẽ khiến cơ thể nóng quá mức. Khi đó các mạch máu giãn ra đột ngột dễ dẫn tới hạ huyết áp, nguy hiểm với người có bệnh tim mạch. Nếu hoạt động quá mức gây đổ mồ hôi nhiều nên cởi bỏ một lớp áo và nghỉ ngơi để hạ nhiệt.
Duy trì vận động: Hoạt động thể chất hàng ngày giúp tăng cường khả năng miễn dịch, điều hòa thân nhiệt và giữ dáng. Thời gian tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, hoặc có thể chia nhỏ bài tập với 10 phút/lần, tổng khoảng 30 phút/ngày. Tuy nhiên, việc tập thể dục trong thời tiết lạnh cần chú ý tập đúng cách, nên tập trong nhà hoặc môi trường luyện tập đủ ấm. Mỗi người tránh tập gắng sức ngoài trời vào những hôm thời tiết quá lạnh, nhất là thời điểm sáng sớm.
Theo dõi huyết áp và lượng đường trong máu: Các bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường là những yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch. Kiểm soát tốt huyết áp và lượng đường trong máu có thể giúp làm giảm nguy cơ đau tim.
Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cho tim: Mỗi người nên ăn thực phẩm ít chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa; ăn nhiều trái cây tươi, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng, rau bina, bông cải xanh... Bạn nên ăn các bữa ăn nóng, hạn chế hoặc tránh đồ ăn cay, nhiều dầu mỡ và đồ hộp.
Hạn chế uống rượu bia, ngừng hút thuốc: Rượu làm giãn nở các mạch máu ngoại vi, khiến cơ thể mất nhiệt hoặc tạo cảm giác ấm áp giả tạo. Hút thuốc lá dẫn tới xơ vữa động mạch, làm giảm lưu lượng oxy đến tim. Do đó, chúng ta cần tránh những thứ này để bảo vệ tim mạch.
Khám định kỳ: Theo Phó giáo sư Bạch Yến, mọi người cần khám tim mạch định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm nếu có bất thường. Đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao bị đau tim trong mùa lạnh như người ít vận động, thường xuyên hút thuốc, hoặc có sẵn các yếu tố nguy cơ như suy tim, từng làm phẫu thuật tim, người bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành...
Ngoài ra, Phó giáo sư Bạch Yến lưu ý, các triệu chứng của cơn đau tim thường là đau ngực trái, cảm giác nặng ngực hoặc thắt nghẹt, đau lan lên cổ hoặc xuống cánh tay, khó thở, mệt mỏi, vã mồ hôi trong cơn đau, thậm chí ngất xỉu. Mỗi người không nên bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo này và cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
"Cơn đau tim nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì cơ hội hồi phục sẽ cao, tránh biến cố nguy hiểm như tử vong", Phó giáo sư Bạch Yến nhấn mạnh.
Mai Linh