Thông tin được các bác sĩ Phòng khám Đại học Y Dược 1 (TP HCM) khuyến cáo cộng đồng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân tăng huyết áp ở phần lớn người trưởng thành vẫn chưa được xác định, chỉ khoảng 10% là có nguyên nhân thứ phát như:
- Bệnh thận cấp hoặc mạn tính.
- Hẹp động mạch thận.
- Hội chứng Conn.
- Bệnh lý tuyến giáp, cận giáp, tuyến yên.
- Một số loại thuốc.
- Hẹp eo động mạch chủ.
- Bệnh Takayasu.
- Nhiễm độc thai nghén.
- Rối loạn sức khỏe tâm thần.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ cao huyết áp là:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa, ít rau củ trái cây.
- Ít vận động.
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều rượu.
- Căng thẳng, lo lắng
- Trên 65 tuổi: nguy cơ tăng lên cùng tuổi tác.
- Tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp.
Triệu chứng
- Một số triệu chứng có thể xảy ra ở một người bị tăng huyết áp là:
- Đau nhức đầu vào sáng sớm.
- Chảy máu cam.
- Nhịp tim nhanh.
- Thay đổi thị lực.
- Ù tai.
- Tăng huyết áp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng:
- Mệt mỏi.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Lú lẫn.
- Hồi hộp.
- Đau tức ngực.
- Run.
Tuy nhiên, tăng huyết áp sở dĩ được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì nó thường không gây ra triệu chứng, cho đến khi xảy ra biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mới được phát hiện.
Biến chứng
Tăng huyết áp ảnh hưởng trực tiếp lên mạch máu và tim, làm hỏng thành mạch máu, gây tổn thương tim. Tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng sau:
- Bệnh mạch máu ngoại vi.
- Cơn đau thắt ngực.
- Nhồi máu cơ tim: Tình trạng nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn, làm chết tế bào tim. Nhồi máu cơ tim là trường hợp cần cấp cứu, thời gian càng lâu tổn thương tim càng lớn.
- Đột quỵ xuất huyết não: Khi mạch máu não bị vỡ do áp lực tăng cao. Hoặc đột quỵ nhồi máu não - khi động mạch cung cấp máu đến não bị tắc nghẽn, dẫn đến tế bào não chết đi nhanh chóng. Đột quỵ là tình trạng có thể gây tử vong nhanh chóng, cần được cấp cứu kịp thời, đặc biệt là trong 3,5 giờ đầu để hạn chế tối đa biến chứng về thần kinh và vận động.
- Suy tim.
- Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị.
- Tử vong.
Phân loại
Dưới đây là phân độ huyết áp được đo tại phòng khám theo hướng dẫn của ISH 2020 (Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế):
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu < 130 mmHg và huyết áp tâm trương < 85 mmHg.
- Huyết áp bình thường - cao (tiền tăng huyết áp): Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và (hoặc) huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1 (nhẹ): Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và (hoặc) huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2 (nặng): Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và (hoặc) huyết áp tâm trương ≥ 100 mmHg.
- Cơn tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu > 180 mmHg và (hoặc) huyết áp tâm trương > 110 mmHg.
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
Chẩn đoán
- Cách duy nhất để chẩn đoán tăng huyết áp là đo huyết áp. Bạn có thể tự đo huyết áp tại nhà, nhưng để chẩn đoán, đánh giá mức độ bệnh và điều trị thì cần thực hiện bởi nhân viên y tế tại phòng khám.
- Bên cạnh đó, có thể cần làm thêm các cận lâm sàng để đánh giá các bệnh lý liên quan và tổn thương nếu có.
Điều trị
- Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ theo kế hoạch điều trị của bác sĩ.
- Mục đích điều trị tăng huyết áp là để duy trì huyết áp trong ranh giới ổn định, nhằm giảm tối đa nguy cơ tim mạch, tử vong nói chung và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch và các bệnh đồng mắc đi kèm.
- Điều trị tăng huyết áp bao gồm thay đổi lối sống và can thiệp bằng thuốc.
- Trong đó thay đổi lối sống là biện pháp bắt buộc và là nền tảng để điều trị và dự phòng tăng huyết áp. Biện pháp này bao gồm:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh (DASH).
- Giảm cân nếu quá cân.
- Giảm ăn mặn (mục tiêu < 1500 mg Natri/ngày).
- Bổ sung Kali trong khẩu phần ăn (mục tiêu 3500-5000 mg Kali/ngày)
- Tăng cường hoạt động thể lực, tốt nhất là các bài tập gắng sức thể dục nhịp điệu.
- Hạn chế sử dụng rượu.
- Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no.
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào.
- Tránh căng thẳng, lo âu.
- Việc điều trị bằng thuốc sẽ được cá thể hóa, tùy vào mức độ bệnh, tuổi tác và bệnh đồng mắc (bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn...) của mỗi người. Do đó, bạn tuyệt đối không tự ý áp dụng cách điều trị người khác cho bệnh tăng huyết áp của mình.
Phòng ngừa
- Phòng ngừa tăng huyết áp là cách để phòng ngừa bệnh tim mạch, đột tử và nhiều hệ lụy khác.
- Ngoài các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, bạn có thể phòng ngừa tăng huyết áp bằng một lối sống và sinh hoạt lành mạnh:
- Giảm ăn mặn, chỉ tiêu thụ một lượng muối ít hơn 5 g/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê). Lưu ý hàm lượng muối trong bột nêm, bột canh, nước mắm, các gia vị khác; cũng như các món ăn vặt, snack...
- Ăn nhiều rau củ quả, trái cây tươi; không ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
- Tăng cường hoạt động thể chất.
- Không hút thuốc lá.
- Uống rượu bia điều độ.
- Duy trì cân nặng hợp lý với chỉ số BMI từ 18,5-22,9 kg/m2.
- Tích cực giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Hạn chế căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý.
- Không có triệu chứng không có nghĩa là chỉ số huyết áp của bạn bình thường. Vì vậy, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra chỉ số huyết áp, cũng như một số bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp.
- Nếu được chẩn đoán bị tăng huyết áp, bạn cần theo sát điều trị của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà.
Mỹ Ý