Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì. Trong đó, đồ uống có đường không phải nguyên nhân chính mà còn do ăn thừa năng lượng vượt quá nhu cầu, vận động ít. Để giải quyết hiệu quả tình trạng này cần đánh giá khách quan và đầy đủ các yếu tố liên quan thừa cân béo phì và đặc biệt là đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý.
Lối sống ít vận động là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em. Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có đến 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh thanh niên Việt Nam xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn.
Nghiên cứu năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra, trung bình một người Việt đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng dân văn phòng chỉ là 600 bước, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 10.000 bước. Trong khi đó, một khảo sát tại TP HCM cho thấy, chỉ có 26,1% học sinh THPT tham gia vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày, có đến 30% học sinh THCS không tập luyện và hoạt động hàng ngày.
Song song với thiếu vận động, nguyên nhân gây thừa cân béo phì còn do chế đô ăn uống không hợp lý, đưa vào cơ thể quá nhiều calories so với năng lượng được tiêu hao. Trong các chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể, chất béo là một trong những yếu tố hàng đầu gây thừa cân béo phì.
Theo thống kê của Viện dinh dưỡng, Bộ Y tế, nhóm học sinh thành thị có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt thấp hơn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). Ngoài ra, so với nước ngọt, trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác như bánh kẹo, kem chè... nhiều hơn (51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn).
Mới đây, Bộ Tài chính Việt Nam đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, dự thảo này hiện còn nhiều tranh luận vì lo ngại ảnh hưởng đến GDP, thu ngân sách và doanh nghiệp...
Theo một số chuyên gia, trong khẩu phần ăn của một người, lượng đường nhiều nhất đến từ cơm, gạo, bánh mì, đường sữa trong các loại bánh ngọt, trong khi đồ uống có đường đóng góp ít hơn tỷ lệ đường mà một người đưa vào cơ thể mỗi ngày.
Trên thế giới, đã có một số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên sản phẩm đồ uống có đường. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa được chứng minh mang lại hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ thừa cân béo phì, thậm chí còn gây ra những tác động ngược đến nền kinh tế và đời sống. Đan Mạch là một trong số quốc gia đánh thuế này từ năm 1930 nhưng tới 2014 đã phải bỏ vì không mang lại hiệu quả.
Trong khi đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia thành công với chiến lược giáo dục, tuyên truyền về dinh dưỡng hợp lý khi tỷ lệ béo phì ở nước này khoảng 3,5%. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe "Y tế Nhật Bản Thế kỷ 21" với hai bộ luật Shuku Iku và Metabo.
Shuku đề cập đến thực phẩm, chế độ ăn uống và ăn kiêng, và Iku nói về việc giáo dục trí tuệ, đạo đức, thể chất. Được đưa vào áp dụng năm 2005, bộ luật Shuku Iku đã định ra quy trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học, các nhà dinh dưỡng chuyên nghiệp có trình độ giáo viên để giảng bài về dinh dưỡng cho các lớp học nhằm giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em. Bộ luật Metabo nhắm vào người lớn từ 40 đến 75 tuổi, trong đó quy định các biện pháp kiểm soát thường xuyên chu vi vòng eo để tránh các bệnh tim mạch, nam giới cần phải kiểm soát chu vi vòng eo của mình dưới 94cm và phụ nữ dưới 80cm.
Tuệ Minh