Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Lâm Nguyễn Thùy An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.
Nguyên nhân
Ù tai là dấu hiệu cho thấy có tổn thương trong hệ thống thính giác bao gồm tai, dây thần kinh thính giác và các phần của não xử lý âm thanh.
Nguyên nhân có thể do:
- Mất thính lực.
- Tắc, nhiễm trùng tai và xoang.
- Bệnh tim hoặc mạch máu (bất thường động tĩnh mạch, phình mạch, viêm và các tổn thương mạch máu, cao huyết áp...).
- Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm.
- Bệnh Ménière.
- Các khối u ở đầu, cổ hoặc não.
- Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ.
- Thiếu máu.
- Bất thường tuyến giáp.
- Bệnh tự miễn.
- Cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc như một số loại kháng sinh, kháng viêm, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm hay thuốc trị ung thư.
- Tiếp xúc liên tục với tiếng ồn lớn có thể gây ù tai theo thời gian.
Điều trị
Điều trị nội khoa là phương pháp ưu tiên sử dụng nhằm bảo tồn cấu trúc tai:
- Thuốc tăng tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh trung ương, thuốc giãn cơ trơn, các vitamin.
- Thuốc kháng viêm, corticoid nếu có phù nề sưng đỏ.
- Thuốc an thần được sử dụng để trấn tĩnh giúp người bệnh an dịu tinh thần.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline và Nortriptyline.
Phẫu thuật chữa ù tai được chỉ định khi ù tai có nguyên gốc cơ học và các khối u chèn ép trong góc cầu - tiểu não, u tân sinh thùy thái dương hoặc trong trường hợp ù tai đi kèm với điếc dẫn truyền.
Phòng ngừa
- Giảm tiếp xúc tiếng ồn lớn: Nên sống ở những nơi yên tĩnh, tránh xa âm thanh có cường độ cao, kích thích mạnh.
- Không để nước lọt vào tai: Hạn chế để nước lọt và ứ lại trong ống tai vì dễ bị viêm tai giữa gây ù tai.
- Hạn chế thực phẩm giàu chất béo: Thực phẩm giàu chất béo có thể khiến mỡ máu tăng, làm thành động mạch bị xơ vữa, kéo theo lượng máu và oxy cung cấp cho tai giảm, hậu quả là gây ra chứng ù tai.
Mỹ Ý