Khi chẩn đoán xác định tăng huyết áp, người bệnh sẽ được điều trị. Do mức độ tăng huyết áp và nguy cơ biến chứng tim mạch của mỗi người bệnh khác nhau (về cơ địa, chức năng gan, chức năng thận, nhóm tuổi, bệnh đi kèm) nên hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp ở mỗi người cũng không giống nhau. Hiện nay, có nhiều loại thuốc huyết áp với cơ chế hoạt động khác biệt nhưng đều nhằm duy trì huyết áp ở mức ổn định. Mỗi thuốc sẽ có tác dụng phụ khác nhau.
Trong trường hợp người bệnh có nguy cơ tim mạch thấp hoặc lớn tuổi, không thể dung nạp mức huyết áp thấp hoặc có nguy cơ hạ huyết áp xuống quá thấp,... thì chỉ nên khởi đầu điều trị bằng một loại thuốc. Bác sĩ sẽ cân nhắc chọn thuốc có tác dụng kéo dài để giảm số lần sử dụng.
Trường hợp tăng huyết áp mức độ 2, mức độ 3 hoặc chỉ bị tăng huyết áp độ 1 nhưng có nguy cơ tim mạch cao, người bệnh có thể được chỉ định bắt đầu điều trị với 2 loại thuốc phối hợp với nhau. Dù phối hợp 2 loại thuốc với liều thấp cũng giúp đem lại hiệu quả điều trị cao hơn và giảm tác dụng phụ hơn so với việc chỉ dùng một loại thuốc liều cao.
Người bệnh cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, không nên tự ý mua thuốc về dùng. Thuốc điều trị tăng huyết áp hiệu quả không đồng nghĩa là thuốc đắt tiền hay vì người khác sử dụng có hiệu quả. Bác sĩ sẽ đưa ra loại thuốc điều trị tốt nhất, phù hợp nhất, căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh (các yếu tố nguy cơ tim mạch, bệnh lý đi kèm hay có tổn thương các cơ quan như suy thận, suy tim, dày thất trái,...).
Điều quan trọng là người bệnh phải uống thuốc huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không, thuốc có thể không đạt hiệu quả, gây ra tác dụng phụ không mong muốn hoặc gây hại cho cơ thể.
Câu 2. Huyết áp từ bao nhiêu trở lên thì cần sử dụng thuốc hạ huyết áp?