Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết nhiều phụ huynh đưa con đến khám nghĩ chất béo là xấu, có hại cho sức khỏe. Thực tế, chất béo có hại, lợi tùy thuộc vào loại, hàm lượng sử dụng.
Chất béo là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của bé. Chúng tham gia vào nhiều quá trình xây dựng cấu trúc cơ thể: màng tế bào, thị giác, xương, hệ miễn dịch, não bộ,.. Bên cạnh đó, chất béo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não, đạt tiềm năng phát triển tối đa. Dưỡng chất cũng như nhiên liệu để cơ thể hoạt động trơn tru, đồng thời là dung môi giúp bé hấp thụ vitamin tan trong chất béo như: A, D, E, K.
Tuy vậy, dưỡng chất có liên quan mật thiết đến thừa cân, béo phì, bệnh tim, đột quỵ. Vì thế, phụ huynh cần phải hiểu đúng các loại, giá trị dinh dưỡng, nhận biết các thực phẩm có chứa chất béo tốt, không tốt, sử dụng khoa học. Bác sĩ Tùng khuyến cáo, 3 loại chất béo trẻ có thể hấp thu từ món ăn, thực phẩm, bao gồm:
Chất béo không bão hòa: Có nhiều trong cá hồi, quả hạch, quả bơ, hạt, dầu hạt cải, dầu ô liu, bơ thực vật mềm chưa qua quá trình hydro hóa,... Đây là loại chất béo lành mạnh nhất gồm chất béo không bão hòa đa, không bão hòa đơn. Chúng quan trọng đối với sự phát triển của não, thần kinh, mắt ở trẻ sơ sinh. Loại chất còn có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ vì chúng làm tăng cholesterol HDL "tốt" trong máu.
Chất béo bão hòa: Trong những sản phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, mỡ, sản phẩm chế biến từ sữa: kem, pho mát, sữa uống nguyên kem, dừa, chế phẩm dầu cây, cacao,... Một chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu (còn gọi là LDL). Lâu ngày, điều này có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm như: bệnh tim, tiểu đường, nhiễm mỡ máu, nội tạng, tắc nghẽn mạch máu...
Chất béo chuyển hóa: Còn gọi là axit béo chuyển hóa, một dạng chất béo không bão hòa. Chúng có cả hai dạng: tự nhiên, nhân tạo. Chất béo chuyển hóa tự nhiên thường xuất hiện ở thực phẩm chế biến sẵn từ động vật như thịt, sữa. Tuy nhiên lượng chất béo chuyển hóa tự nhiên này nằm ở mức thấp, có thể không gây hại cho sức khỏe nếu dung nạp một cách hợp lý.
Ngược lại, chất béo chuyển hóa nhân tạo là mối lo ngại nhất cho sức khỏe. Chúng thường tạo ra trong quá trình tinh chế từ dầu, mỡ, cụ thể có thể tìm thấy ở thức ăn nhanh, snack,.. Dưỡng chất có khả năng làm tăng nồng độ cholesterol xấu, giảm nồng độ của cholesterol tốt trong cơ thể trẻ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.
Trong chất béo chuyển hóa chứa rất ít các chất béo có lợi (HDL), khiến cho chất béo dư thừa không thể tự bài tiết ra ngoài cơ thể. Tình trạng dư thừa chất béo có hại trong cơ thể lâu dài gây ra vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch, làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2, gây dị ứng ở trẻ em...
Trẻ cần bao nhiêu chất béo mỗi ngày
Theo bác sĩ Tùng, lượng chất béo cần thiết cho cơ thể dựa trên nhu cầu calo hàng ngày của mỗi bé. Tỷ lệ calo từ chất béo mà trẻ cần nạp phụ thuộc vào độ tuổi. Cụ thể, trẻ từ 1-3 tuổi cần nạp 30-40% lượng calo hàng ngày từ chất béo. Trẻ từ 4-18 tuổi cần nạp 25-35%.
Đối với các thực phẩm chế biến sẵn, phụ huynh cần nắm cách đọc bảng giá trị dinh dưỡng ghi trên bao bì sản phẩm, tính toán lượng chất béo trẻ có thể hấp thu. Tuy nhiên bảng giá trị dinh dưỡng thường dễ gây nhầm lẫn. Để có thể đưa ra những lựa chọn tốt, phụ huynh chú ý: đọc khẩu phần ở đầu bảng giá trị dinh dưỡng. Đối với trẻ em trên 2 tuổi, cha mẹ nên chọn thức ăn có ít chất béo hơn (chứa ít hơn 5% giá trị chất béo hàng ngày). Thực phẩm giàu chất béo chứa hơn 15% giá trị chất béo hàng ngày.
Cha mẹ chọn thực phẩm có tổng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa ít hơn 2 g, ưu tiên chọn các loại thực phẩm không có chất béo chuyển hóa (trans fat free).
Bác sĩ Tùng gợi ý thêm, cách để gia tăng loại chất béo có lợi trong bữa ăn của trẻ như: bổ sung thực phẩm chứa chất béo không bão hòa vào thực đơn như quả bơ, các loại hạt; sử dụng dầu ăn không bão hòa trong nấu nướng; ưu tiên cách chế biến đơn giản như hấp, luộc, nướng giấy bạc,..; tăng cường cho bé ăn thực phẩm ít chất béo, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa ít béo, thịt nạc, cá, đậu.
Đối với trẻ em dưới hai tuổi, các thực phẩm như sữa, sữa chua, pho mát được khuyên dùng. Chất béo từ các nguồn này cung cấp một nguồn năng lượng dồi dào, chất dinh dưỡng cần thiết. Ba mẹ không nên cho trẻ uống sữa ít béo, loại sữa hạt cho đến khi bé tròn 2 tuổi. Nếu trẻ dị ứng sữa bò, không dung nạp lactose, người lớn hãy cho con bú sữa mẹ hoặc tập quen sử dụng sữa công thức theo chỉ định, tư vấn của bác sĩ.
Đối với trẻ lớn hơn, ăn dặm, ba mẹ bổ sung, luân phiên thay đổi các loại thực phẩm giàu chất béo tốt, kết hợp cùng các loại rau củ quả bé yêu thích vào thực đơn. "Nhu cầu dinh dưỡng, chất béo phụ thuộc vào thể trạng riêng của mỗi trẻ. Nhiều trường hợp bé thừa cân nhưng bị thiếu vi chất khác ở thể ẩn. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến Nutrihome khám dinh dưỡng để kiểm tra, xác định đúng mức chất béo, các vi chất trẻ cần mỗi ngày. Từ đó, phụ huynh xây dựng chế độ dinh dưỡng chuẩn xác giúp trẻ phát triển, tăng trưởng tối ưu", bác sĩ Tùng cho biết.
Sanh Diệp