TS.BS Nguyễn Thế Trường, Phó Trưởng khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, stress không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người. Các triệu chứng thể chất do stress gây ra bao gồm đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, mất ngủ, cảm lạnh thường xuyên, nhiễm trùng và các bệnh lý tim mạch... Stress còn ảnh hưởng đến sức khỏe bàng quang, nhất là khi bạn già đi.
Nhiễm trùng bàng quang
Nhiễm trùng bàng quang, còn được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Phụ nữ được chẩn đoán mắc UTI nhiều hơn gần 30 lần so với nam giới. Nhiễm trùng bàng quang phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính trước khi họ bắt đầu lọc máu. Nhiễm trùng bàng quang chủ yếu do vi sinh vật. Mức độ stress cao gây suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, do đó có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Hội chứng bàng quang hoạt động quá mức
Tiến sĩ Trường chia sẻ, nhiều nghiên cứu cho thấy có mối tương quan lớn giữa căng thẳng và hoạt động của bàng quang. Những người trưởng thành có mức độ căng thẳng cao cho biết họ thường xuyên đi vệ sinh hơn những người không bị căng thẳng nhiều.
Cơ sàn chậu chịu trách nhiệm giữ nước tiểu. Tình trạng tiểu không tự chủ có thể xảy ra do các thay đổi về thể chất như mang thai, chuyển dạ, sinh con. Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh cũng thường gặp vấn đề tiểu không tự chủ.
Theo Tiến sĩ Trường, bên cạnh nguyên nhân phổ biến trên, cũng có mối liên hệ giữa chứng tiểu không tự chủ và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhiều bệnh nhân mắc chứng lo âu, trầm cảm, căng thẳng về tinh thần thường mắc chứng tiểu không tự chủ và ngược lại. Nếu bạn có sức khỏe tâm thần kém, bạn có nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ cao gấp 1,5 đến 2 lần.
Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cơ bắp của bạn. Đó là lý do tại sao cổ, vai hoặc lưng cảm thấy chịu nhiều áp lực. Một số người, cơ sàn chậu có thể yếu đi do căng thẳng. Điều này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề bạn đang đối phó với chứng tiểu không tự chủ.
Viêm bàng quang kẽ
Một tình trạng bàng quang phổ biến khác là viêm bàng quang kẽ (IC), còn được gọi là hội chứng đau bàng quang. Tình trạng mạn tính này gây đau và áp lực ở bàng quang và vùng xương chậu. Căng thẳng có thể làm cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn và kéo dài hơn. Theo Tiến sĩ Trường, nếu bạn đang phải vật lộn với hội chứng đau bàng quang, có nhiều cách để hạn chế bùng phát, giảm đau và khó chịu. Hãy chọn một hoạt động làm giảm mức độ căng thẳng hiệu quả như tắm nước ấm, đọc sách, đi bộ...
Tiến sĩ Trường nhấn mạnh, ngay cả khi bạn chưa được chẩn đoán chính thức về bất kỳ tình trạng bàng quang nào, stress cũng có thể gây cảm giác khó chịu, cấp bách (nhu cầu đi tiểu đột ngột) và tần suất cao hơn (nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn bình thường). Stress gây ra các thay đổi trong lối sống có thể ảnh hưởng đến bàng quang của bạn. Đối với một số người, căng thẳng dẫn đến ăn quá nhiều hoặc bỏ tập thể dục. Cả hai thói quen này đều gây kích thích bàng quang, nhất là nếu bạn ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hoặc có đường.
Nếu bạn tăng cân do stress, bạn có thể nhận thấy bàng quang đang chịu áp lực. Giấc ngủ kém chất lượng và không uống đủ nước là hai điều phổ biến khác xảy ra với những người đang phải đối mặt với chứng lo âu và cả hai điều này đều tác động tiêu cực đến sức khỏe tiết niệu.
Tiến sĩ Trường khuyên, stress quá mức có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó mỗi người nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt để tự chăm sóc bản thân một cách tốt nhất. Áp dụng các thói quen lành mạnh có thể giúp bạn giảm stress như chế độ ăn khoa học, nhiều trái cây và rau, tập thể dục hàng ngày ít nhất 30 phút vì hoạt động thể chất giúp cải thiện tâm trạng và giảm stress, ngủ đủ giấc mỗi đêm 7 - 8 tiếng, nuôi dưỡng duy trì kết nối xã hội, tránh các tình huống căng thẳng bất cứ khi nào có thể.
Lục Bảo