Ngày 18/11, BS.CKII Võ Ngọc Cẩm, Phó khoa Hồi sức Tim mạch, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh nhân Hoàng Quốc Vinh (49 tuổi, Bình Định) nhập viện trong tình trạng sốt cao từng đợt, kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Anh có tiền sử đái tháo đường. Kết quả kiểm tra cho thấy, anh nổi chùm hạch phì đại ở trung thất, hạch lớn nhất có kích thước 43x30 mm.
"Những hạch này đã hoại tử, chèn ép nhẹ tĩnh mạch chủ trên. Đồng thời, tổn thương hạch xâm lấn làm dày màng phổi phải, xơ xẹp vùng đáy phổi phải, có lớp dịch mỏng cạnh mạch máu lớn trung thất", bác sĩ Cẩm chia sẻ.
Xác định tính chất phức tạp của khối hạch, các bác sĩ hội chẩn tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực sinh thiết hạch để tìm nguyên nhân.

Êkip bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiến hành phẫu thuật nội soi loại bỏ chùm hạch trung thất cho bệnh nhân. Ảnh: Thu Hà
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực BVĐK Tâm Anh TP HCM cùng êkip phẫu thuật nội soi lồng ngực bóc tách toàn bộ khối hạch trung thất cho anh Vinh. Kết quả sinh thiết, nuôi cấy dịch từ hạch sau phẫu thuật cho thấy, bệnh nhân nhiễm chủng vi khuẩn hiếm Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei) - còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người" gây bệnh Whitmore (còn gọi là bệnh Melioidosis). Đây là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.
Việc tìm đúng nguyên nhân gây sốt cao kéo dài giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị kịp thời cho người bệnh. Nhờ phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, anh Vinh hồi phục nhanh, đủ sức khỏe điều trị thuốc kháng vi trùng trong 3 tuần, và kháng sinh đường uống trong 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để vi khuẩn.
Trước đó, anh Vinh nhiều lần sốt cao đến 40 độ. Anh nghĩ bị cảm cúm thông thường vì uống thuốc hạ sốt thấy đỡ. Khi hết thuốc, cơn sốt quay trở lại, tình trạng kéo dài suốt một tháng Nhập viện ở địa phương, anh được truyền kháng sinh nhưng chỉ cải thiện được vài ngày rồi lại lên cơn sốt. Lo lắng có bệnh lý tiềm ẩn, người thân đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Anh Vinh cho biết, anh khá bất ngờ khi biết nguyên nhân khiến mình sốt dai dẳng suốt một tháng qua là do nhiễm vi khuẩn Whitmore. Anh thấy may mắn vì được bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh tìm đúng bệnh, phẫu thuật cắt bỏ ổ vi trùng và điều trị tích cực.
Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn B. pseudomallei xâm nhập vào cơ thể người hoặc động vật gây ra. Người bệnh có nguy cơ nhiễm loại vi khuẩn này nếu hít phải nước hoặc đất cát chứa vi khuẩn, ăn/uống thực phẩm tiếp xúc với nguồn bệnh, vết thương hở trên da tiếp xúc với đất cát hoặc nguồn nước bị ô nhiễm...
Bác sĩ Cẩm thông tin, sau khi nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore từ 2-4 tuần, người bệnh mới biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, một số người không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi xuất hiện triệu chứng, người bệnh có thể bị nhiễm trùng cục bộ ở một vùng cụ thể trên cơ thể như da, phổi, mạch máu... hoặc nhiều bộ phận cùng một lúc. Những người có bệnh đái tháo đường, suy thận mạn, COPD, ung thư, Thalassemia... có nguy cơ chuyển nặng khi mắc Whitmore.
Người bệnh nên đi khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: ho, khó thở, tức ngực, sốt, ăn không ngon, đau đầu (nhiễm trùng phổi); vết loét hoặc áp xe, sưng hạch bạch huyết, sốt (nhiễm trùng da); sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, khó thở, đau bụng, đau khớp, lú lẫn (nhiễm trùng máu); ho kéo dài, sốt, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, ho ra máu, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu, động kinh (nhiễm trùng cục bộ).
Ngày 12/11, bệnh nhi 15 tuổi mắc Whitmore, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng. Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện từ tháng 9 đến tháng 11. Số bệnh nhân thường liên quan và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ hàng năm.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Thu Hà