Gần đây, tôi thấy có nhiều bài viết bày tỏ quan điểm trái chiều, tranh luận về vấn đề có nên sống chung để phụng dưỡng cha mẹ già, hay người già nên vào viện dưỡng lão, cũng như câu chuyện công bằng khi phân chia tài sản thừa kế cho con gái - con trai. Bản thân tôi thấy đây là những vấn đề có gốc rễ từ văn hóa và thói quen đã ăn sâu hằng trăm, hàng nghìn năm của dân tộc ta, không thể dễ dàng thay đổi hay xóa bỏ trong một hai thế hệ được.
Tôi đang ở độ tuổi ngoài 30, bố mẹ tôi cũng đã hơn 70 tuổi. Đây có lẽ là độ tuổi khá phổ biến, nảy sinh nhiều vấn đề xung đột cần giải quyết như đã nói phía trên của các gia đình Việt. Cụ thể, gia đình tôi vẫn sinh hoạt theo nếp cũ là con trai ở chung với cha mẹ già và thừa kế phần lớn tài sản của cha mẹ để lại. Tôi không khẳng định điều này là đúng hay sai, tốt hay dở. Nhìn mọi thành viên trong gia đình mình biết lựa nhau mà sống, đều hướng đến cái chung là vun đắp tình cảm gia đình, tôi hiểu rằng mình nên giữ gìn lối sống như vậy.
Tất nhiên, để làm được điều đó, tôi cho rằng cũng cần có những điều kiện thuận lợi nhất định. Đối với thế hệ cha mẹ của chúng ta, những người cao tuổi, nhận thức cũ đã ăn sâu vào suy nghĩ của họ mấy chục năm nay. Đã sống gần hết một đời người, đâu dễ gì để bảo họ phải thay đổi ngay được?
Chúng ta làm con, không thể nói bố mẹ già hãy cố sống tự lập và tự tìm niềm vui cho riêng mình theo lối sống hiện đại, cũng không thể nói con cái không nhận sự giúp đỡ và thừa kế nên bố mẹ hãy bàn tài sản để vào viện dưỡng lão.
>> 'Ích kỷ khi coi con cháu là thú vui lúc tuổi già'
Đối với vấn đề phân chia tài sản, chúng ta cũng không thể đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối từ phía cha mẹ, vì đó không phải là tài sản do chúng ta tạo ra. Dù thế nào đi chăng nữa, con cái vẫn nên tôn trọng quyết định của bố mẹ. Có chăng, chúng ta nên phân tích, tư vấn cho bố mẹ về việc giữ một quỹ dự phòng để thêm phần chủ động về tài chính cho tuổi già, dù họ sống chung hay sống riêng với ai.
Thế hệ chúng ta đang tiếp thu và học hỏi được nhiều tư tưởng mới, hiện đại, tiến bộ của thế giới. Tuy nhiên, thực ra, cùng trong thế hệ này, cũng không phải ai cũng đều suy nghĩ như nhau về việc sẽ tận hưởng tuổi già trong viện dưỡng lão, hay sẽ chia tài sản công bằng cho các con.
Thế hệ ngày nay sinh ra và lớn lên, đón nhận sự giao thoa văn hóa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống phương Đông và sự tiến bộ của phương Tây, nên đang có sự thay đổi dần trong nhận thức và nhu cầu. Nhưng thế hệ bố mẹ chúng ta thì không, có rất ít người nhận ra và đồng cảm được điều này.
Vậy con cái nên làm gì? Theo tôi, chúng ta hãy cố gắng làm tròn bổn phận người con của mình, tìm cách dung hòa với những điều bất cập trong tuổi già của cha mẹ. Rồi đến khi chúng ta già đi thì, hãy làm theo những điều tiến bộ, văn minh, công bằng mà mình hằng mong muốn.
Thay vì bắt cha mẹ phải thay đổi theo mình, tốt nhất hãy dành điều đó cho tương lai của chình chúng ta, để có thể vui vẻ đi tìm niềm vui bên ngoài, không làm gánh nặng cho con cháu về cả vật chất và tinh thần.
Tóm lại, chúng ta - những người trẻ - hãy dùng nhận thức mới của mình và cả lòng bao dung để hiểu và xử lý những vấn đề của cha mẹ già. Xin đừng bắt họ phải hiểu và đáp ứng nhu cầu của chúng ta.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.