Từ 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực. Theo đó, viên chức sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn, xoá bỏ suy nghĩ cứ vào được Nhà nước là ổn định hoàn toàn. Ủng hộ quy định mới này, nhiều độc giả chia sẻ quan điểm:
Biên chế suốt đời làm người lao động mang tính ỷ lại rất cao khi vào biên chế. Điển hình là giáo viên, bác sĩ công. Một mặt họ kêu ca lương thấp nhưng thử hỏi ra ngoài họ có được tuyển dụng không? Hơn nữa, tác phong làm việc cho có sẽ làm thui chột con người. Đáng lẽ, Việt Nam cần làm từ cách đây hàng chục năm rồi.
Đúng ra việc này phải làm từ lâu rồi, nhưng bây giờ thực hiện tuy có muộn còn hơn cứ để tình trạng này sẽ kéo dài sự trì trệ, lười biếng, vô trách nhiệm của đội ngũ viên chức hiện nay. Đặc biệt ở những cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng 100% nguồn ngân sách Nhà nước. Cụ thể như ở Bệnh viện tôi đang làm, cả vợ, chồng, con, anh chị em, dâu rể, họ hàng, đồng hương... cùng kéo nhau vào làm viên chức. Thật khủng khiếp. Xóa bỏ viên chức suốt đời và tự chủ tài chính sẽ dẹp bỏ được tình trạng trên.
>> Lương giáo viên 20 năm không bằng bán hàng online
Tôi là giáo viên và đồng tình với quy định mới này. Nhưng yêu cầu cao thì chế độ phải cao tương xứng. Chế độ ở đây là phải bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ viên chức thường xuyên, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời và chế độ lương phải đảm bảo đời sống cho họ. Tôi có đứa em dạy học 4 năm, mức lương sống không đủ (lương tháng chưa được 4 triệu đồng), rồi phải đi học giữ hạng, học Anh văn bằng A2 các kiểu. Mỗi lần đi học, em tôi toàn về nhà xin thôi. Nếu đời sống như vậy thử hỏi làm sao ai dám chọn sư phạm?
Tôi cũng là dạng biên chế suốt đời, nhưng cho rằng bỏ chế độ biên chế suốt đời là hoàn toàn đúng. Bởi chế độ biên chế suốt đời làm cho công chức, viên chức có sức ỳ rất lớn. Tôi không nói là đa số nhưng quá nhiều người khi đã vào biên chế họ không phấn đấu nữa, làm việc à ơi, đến tháng lĩnh lương. Không chỉ công chức già mà kể cả những người trẻ cũng vậy, cứ vào biên chế một thời gian là dậm chân tại chỗ. Nên việc bỏ biên chế là quá đúng.
Song, một điều nghịch lý là bỏ biên chế nhưng trong một cơ quan hiện nay lại tồn tại hai dạng viên chức: Một loại vẫn là biên chế, môt loại vào sau 7/2020 là hợp đồng xác định thời hạn. Hai loại viên chức này nếu cùng một vị trí việc làm thì đánh giá giống nhau không? Chế độ lương có trả giống nhau không? Viên chức biên chế suốt đời nếu yếu kém về năng lực có bị loại thải như viên chức hợp đồng có thời hạn không? Viên chức hợp đồng có thời hạn nếu sau thời gian hop đồng nếu làm tốt thì có ký tiếp hợp đồng nữa không? Việc này lại phụ thuộc vào người đứng đầu cơ quan đó có công tâm hay không? Tóm lại, bỏ biên chế là đúng, nhưng nó chỉ hiệu quả khi biên chế hay hợp đồng có thời hạn được đối xử như nhau về mọi mặt, nhất là về chế độ lương.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.