Lý do vì cậu làm bài về nhà chưa tốt. Tôi không quên những ngày con nằm dài thượt trên giường, lầm lũi đi học, rơi vào trạng thái gần như trầm cảm. Những ngày tôi phải nói chuyện với con cả tiếng, những khi cậu chơi đàn thâu đêm suốt sáng để tìm lại cân bằng. Đó là những ngày mà cho đến bây giờ, sau sáu năm, chúng tôi vẫn không bao giờ muốn nhắc tới.
Tôi đã đến gặp thầy giáo ấy để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra. Ngồi trước mặt tôi là một giáo viên trẻ, vừa trao đổi với tôi vừa cạy móng tay, đầu cúi cúi, lắc lư liên tục. Cảm giác giận giữ trong tôi không còn, tôi thấy ái ngại cho thầy hơn. Tôi nhận ra, việc dạy học trò vị thành niên với nhiều bất ổn trong tâm lý là quá sức hoặc không thể với thầy.
Quả thật, nghề dạy học rất khó. Tôi luôn nghĩ nó khó hơn nhiều nghề. Không phải ta chỉ mang kiến thức đến cho người khác mà còn phải đồng hành với họ để lớn lên. Làm thầy trước con trẻ còn là thử thách lớn hơn nữa cho những ai chọn nghề giáo để sinh nhai.
Nghề chỉ là công việc kiếm sống, còn nghiệp nhà giáo phải là sự chọn lựa và nỗ lực bền bỉ. Tôi luôn nghĩ không thể làm được công việc này nếu không thật sự yêu con người, tôn trọng con người, nhìn học trò là những con người chứ không chỉ đơn giản là những đứa trẻ, tuân thủ mọi chỉ giáo của thầy cô để đổi lại kiến thức.
Con gái út của tôi may mắn được gặp nhiều giáo viên thực sự hiểu rằng nghề giáo không chỉ là cho kiến thức, mà còn giúp học trò trở thành phiên bản tốt hơn. Nhờ họ, tôi hiểu phần nào tâm thế của những đứa trẻ được nhìn thấy lòng nhân ái ở xung quanh, được biết rằng kiến thức chúng có được là nhờ những người cụ thể - người kiến tạo bầu không khí hứng khởi để học và truyền cho chúng tình yêu với đồng loại và mọi sinh linh. Tôi chắc rằng chúng sẽ phát triển tốt, không tìm đến những hành vi manh động, vì bất cứ lý do gì.
Năm 15 tuổi, tôi cũng may mắn được gặp một người thầy. Thầy Thiệp dạy chúng tôi môn sử. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác tiếc nuối khi "giờ thầy Thiệp" kết thúc. Thầy luôn dành gần nửa thời gian trên lớp kể cho chúng tôi về đế chế La Mã, lịch sử Hy Lạp cổ đại... rất nhiều những điều mà chương trình chính thức không có, khơi lên trong lòng tôi mong muốn được biết những điều khác ngoài giáo trình. Lúc ấy tôi chưa nhận ra sự tử tế mà thầy trao tặng chúng tôi, chỉ biết là nhờ thầy mà tôi tìm đọc thần thoại Hy Lạp, Iliad, Odyssée. Tôi không biết rằng thầy Thiệp đã rất yêu con người.
"Yêu con người" là khái niệm tôi gọi nôm na là sự tổng hợp lòng nhân ái, tính nhân văn, lòng trắc ẩn và tôn trọng, sự không nỡ ác với đồng loại. Yêu con người là mong cho người khác được phát triển, sống đúng như giá trị họ mong cầu. Và tôi luôn nghĩ, nghề dạy học chắc chắn dành cho những ai biết yêu người. Trao đi kiến thức chỉ là một phần của công việc, cho họ mong muốn được là "người" đúng nghĩa mới là mục đích cuối.
Tất nhiên, điều đó không thể tự nhiên mà có. Nó chỉ được nảy nở khi người ta thực sự có ý thức, mong muốn tưới tắm để nó lớn lên. Chăm một cái cây cũng có lúc bị sâu, có lúc lụi tàn, vun vén lòng yêu con người cần kiên định và can đảm gấp bội.
Cho đến lúc này, tôi vẫn nhớ những giờ giảng của thầy Thiệp. Còn con trai tôi không bao giờ muốn nhắc về kỷ niệm với thầy dạy toán. Tôi biết sự tôn trọng, lòng yêu người có thể giúp người ta lớn lên hoặc đẩy họ ngã xuống thế nào.
Không chỉ với nghề giáo, làm người cũng là hành trình học để yêu con người, mỗi ngày.
Nguyễn Mỹ Linh