(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Bất kỳ cơ quan Nhà nước ở bất cứ quốc gia nào cũng có biên chế. Hoặc, biên chế là bộ khung làm việc của mọi tổ chức pháp nhân. Ví dụ Quốc hội Việt Nam có 580 ghế đại biểu, cũng chính là 580 biên chế. Nhưng tôi chưa từng nghe ai nói có "biên chế suốt đời" trong hệ thống tổ chức nhân sự của Nhà nước. Biên chế luôn cố định nhưng người nắm giữ biên chế ấy thì luôn thay đổi. Lãnh đạo còn thay đổi theo nhiệm kỳ thì nhân viên làm sao có biên chế suốt đời được?
Biên chế suốt đời là có thật và nằm trong một lĩnh vực hoàn toàn chuyên biệt của Nhà nước – các lực lượng vũ trang. Tốt nghiệp học viện sĩ quan ra làm quân nhân chuyên nghiệp, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các đơn vị tác chiến khác nhau, không có biên chế suốt đời làm sao làm việc? Quân đội có luật lệ riêng không có liên hệ gì với xã hội dân sự, có phải doanh nghiệp đâu mà thay đổi nhân sự xoành xoạch được.
Việt Nam có đặc thù là đã xảy ra chiến tranh trong một thời gian rất dài – 30 năm. Trong thời gian chiến tranh đó, gần như mọi mặt của đời sống đều được quân sự hóa để tập trung vào chiến tranh dẫn đến biên chế suốt đời lan tràn khắp nơi. Kết thúc chiến tranh, những biên chế suốt đời ấy lẽ ra phải trả về cho quân đội thì người ta vẫn bo bo giữ kỹ vì sợ mất công lao này nọ. 35 năm kể từ ngày xóa bao cấp, người ta mới bãi bỏ cái biên chế suốt đời này, quá chậm.
>> 'Trường chuyên chắc chắn sẽ lụi tàn'
Thời bao cấp, chúng tôi học hành hoàn toàn miễn phí bởi vì mọi trường học đều là trường công lập. Mỗi trường đại học hàng năm chỉ tuyển không quá 300 chỉ tiêu, tỉ lệ chọi vô cùng cao. Chỉ cần thi đậu đại học, đương nhiên có học bổng (hồi tôi học, học bổng là 30 nghìn đồng, tương đương tiền lương của một nhân viên hành chính). Hồi ấy, số lượng trường chuyên là vô cùng ít ỏi, cả nước chỉ có vài trường đếm trên đầu ngón tay. Tốt nghiệp đại học bất cứ ngành gì ra trường đều có việc làm chờ sẵn với biên chế suốt đời được gọi chung là "cán bộ công nhân viên chức". Cái gọi là nộp đơn phỏng vấn xin việc là một khái niệm hết sức "trừu tượng" được nghe xem ở đâu đó trên thế giới thông qua báo chí truyền hình.
Rồi người ta xóa bao cấp. Trong trường công lập xuất hiện một loại chi phí mà học sinh nào cũng phải nộp gọi là "quỹ bảo trợ học đường", tiền thân của "sổ vàng". Rồi "sổ vàng" xuất hiện với những yêu cầu giáo viên phải có micro, máy chiếu để giảng bài... Giáo sư giảng bài trên giảng đường 500 sinh viên có khi còn không có micro nhưng thầy cô phổ thông vẫn đòi micro để giảng bài cho một lớp học vài chục học sinh. Rồi đèn, quạt, máy lạnh, tủ đựng cặp, đựng sách giáo khoa trên lớp, đựng dép guốc... xuất hiện trong ngôi trường mang tiếng là "trường công lập", tất cả đều lấy từ "sổ vàng". Họp phụ huynh, người có thu nhập cao dõng dạc tuyên bố trước mặt các phụ huynh khác "tôi nộp 10 triệu" làm cho nhiều phụ huynh thu nhập thấp phải cúi gằm mặt.
>> Bỏ biên chế suốt đời để hết viên chức 'ngồi không kêu lương thấp'
Nhiều hình thức càng ngày càng trở nên méo mó dị dạng vì bị đồng tiền chi phối. Trường chuyên, trường điểm nở rộ như nấm sau mưa. Rồi có người đề nghị lập lại trật tự trong ngành giáo dục bằng việc xã hội hóa giáo dục, xây dựng trường tư thục. Ai muốn con cái có tiện nghi học tập gì thì vào trường tư thục mà đòi hỏi. Chính sách này mới với Việt Nam, nhưng không mới với thế giới. Tuy nhiên, chính sách này bị không ít cản trở bởi biên chế suốt đời, bởi chế độ "trường công có thu học phí" – tức là công không ra công, tư không ra tư, nhập nhằng khái niệm để thu lợi.
Cơ sở vật chất của trường tư phải do nhà đầu tư bỏ tiền ra. Nhà đầu tư cho dù có là Bill Gates đi nữa cũng không thể đọ nổi với ngân sách Nhà nước. Nhập nhằng khái niệm như vậy, trường tư làm sao tồn tại? Trường công có thu học phí nhưng không nộp một đồng tiền thuế nào, không phải nộp ngân sách trả vốn về cho Nhà nước, ngân sách Nhà nước vẫn phải gồng mình gánh chịu tiền lương của mọi giáo viên. Rồi giáo viên cứ than vãn sao thu nhập thấp thế? Hoặc là anh "tự bơi" với thu nhập cao, hoặc là anh được biên chế với đồng lương thấp, bắt buộc phải chọn một trong hai.
Nước ngoài cũng có trường công, từ phổ thông đến đại học. Những trường này chỉ dành cho người nghèo. Trường công không có nghĩa là chất lượng đào tạo kém. Đại học Boston của Mỹ là trường công nhưng vẫn lọt vào được top 50. Mọi giáo viên đều phải trải qua trường công cho đến khi trở thành giáo viên giỏi thì được trường tư mời với đồng lương vượt trội. Cho nên, áp lực thành tích trong giáo dục không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở bất cứ nơi nào trên thế giới vì nó có liên quan đến cuộc sống của giáo viên.
Để tiến thêm một bước trong việc xã hội hóa giáo dục, người ta chọn trường chuyên xịn nhất Việt Nam, làm điểm đột phá. Nhưng khắp nơi lên tiếng phản đối. Bao nhiêu năm dựa dẫm vào Nhà nước quen rồi, đột nhiên bảo "tự bơi" nên phải phản đối thôi? Đủ thứ lý do chủ yếu mang tính cá nhân chứ không phải vì cái chung, lợi ích quốc gia.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm