Với tư cách là chồng của một giáo viên, cha của một học sinh cấp hai tôi rất thấy phiền phức và cảm thấy gia đình thực sự đã đến bờ vực tan vỡ. Nửa năm nay, vợ tôi liên tục phải tập huấn chương trình mới, trong khi cũng chỉ là một giáo viên dạy môn Lịch sử cấp hai, chẳng học sinh nào cần đi học thêm. Ấy vậy mà vợ tôi không được nghỉ ngày nào, con cái bỏ bê, về đến nhà là kỳ cạch cả đêm gõ phím tới 12h đêm, hôm nào không gõ máy tính thì cũng học online. Chúng tôi chẳng khác nào sống "ly thân" cả nửa năm nay rồi.
Mỗi lần đào tạo, mỗi lần tập huấn chương trình mới là vợ chồng chúng tôi lại nháo nhào lên, nề nếp gia đình bị đảo lộn hết cả. Nhiều khi, tôi mong vợ mình bỏ nghề giáo viên vất vả này đi, nhưng suy cho cùng, một cử nhân Cao đẳng Sư phạm Lịch sử tliệu có thể xin được công việc gì khác với tấm bằng của mình ngoài chuyện đi dạy học?
Tôi không có ý coi thường ai hay nghề nghiệp nào, đó là điều chắc chắn. Nhưng với kỹ năng sống trong khuôn khổ ngành sư phạm như vợ tôi thì hiếm người thành công khi làm công việc khác. Tôi cũng không dám nghĩ thay cho người khác. Bởi nếu cuộc đời này bạn không nghĩ cho mình, cho gia đình mình thì lấy tư cách gì để lo chuyện người khác?
Câu chuyện nào cũng vậy, ngoài những khía cạnh lãng mạn, cũng đều quy về cơm, áo, gạo, tiền. Nhà tôi ba đời làm nghề giáo, nhưng từ môn chính tới môn phụ, đều không ai đủ thời gian để dạy thêm chứ đừng nói đến nghỉ ngơi. Nay họp hội đồng, mai học nghị quyết, kia học nghiệp vụ, về cơ bản, giáo viên làm bán thời gian nhưng tôi chưa từng thấy họ được nghỉ như đúng như những gì người ta đặt ra.
Tôi cũng chỉ là một người bình thường chứ không phải siêu nhân nên sức chịu đựng cũng chỉ có giới hạn và xét cho cùng, tôi nên chịu đựng là cho gia đình, cho vợ con mình hay vì sự nghiệp giáo dục của đất nước? Nhiều người nói làm giáo viên thì phải chấp nhận hy sinh bản thân cho sự nghiệp trồng người, nhưng tôi nghĩ liệu nhà giáo có đáng phải buông bỏ quá nhiều hạnh phúc cá nhân như thế? Bởi biết vợ mình cũng chẳng vui vẻ khi phải ôm đồm hàng ta công việc như thế, nên nhiều khi tôi thầm nghĩ "hay cứ buông bỏ, để nhường những người khác tâm huyết hơn thực hiện tiếp công việc này?".
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.