Giãn cách xã hội là điều không ai mong muốn nhưng chúng ta bắt buộc phải thực hiện để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Bởi Covid-19 đã và sẽ trở thành một dịch bệnh mà chúng ta phải học cách sống chung với nó, học cách đánh giá những rủi ro và bảo vệ bản thân mình, người thân trong bối cảnh này.
Hiện việc thực hiện giãn cách xã hội đã tác động không nhỏ tới hoạt động thường nhật, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình Việt. Cùng với thực hiện những biện pháp quyết liệt theo chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cũng rất tích cực trong công tác vận động tuyên truyền người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Học cách sống chung với dịch bệnh
Dịch bệnh có thể được khống chế, nhưng cuộc chiến chống dịch chưa chấm dứt ngay. Nguy cơ tái dịch vẫn tiểm ẩn, nỗi lo dịch bệnh vẫn còn đó. Dẫu vậy, không thể kéo dài việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh sản xuất, phong tỏa hay cách ly. Chúng ta còn bao nhiêu việc phải làm để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, để trẻ em đến trường, để xúc tiến đầu tư, mở rộng giao thương với thế giới.
Ở nhà thời gian dài có thể ảnh hưởng đến thu nhập và khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán và bức bối. Có lẽ, giải trí sẽ là "liều thuốc" hữu hiệu nhất cho họ trong hoàn cảnh như thế này. Có nhiều cách giải trí tại gia để giải toả bớt tâm lý bức bối nhưng có lẽ truyền hình và internet sẽ là lựa chọn hàng đầu của không ít người.
Thực tế cho thấy, lượng người xem truyền hình và sử dụng internet tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội tăng lên rõ rệt. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình và internet cũng vì thế mà "vất vả" hơn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cùng với việc tăng cường nhiều nội dung hay, hấp dẫn, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình và internet còn mở rộng dung lượng băng thông kết nối để phục vụ cho nhu cầu làm việc trực tuyến, học tập và giải trí của khách hàng. Song song với đó, đội ngũ kỹ thuật viên luôn túc trực 24/7 sẵn sàng xử lý những sự cố về tín hiệu, đường truyền để đáp ứng nhu cầu phát sinh về dịch vụ của khách hàng.
>> 'TP HCM cần giãn cách có trọng tâm thay vì diện rộng'
Có dịch là có lây lan. Virus càng nhiều biến chủng thì tốc độ lây nhiễm càng nhanh. Theo thống kê chính thức đến nay, Việt Nam có 66 ca tử vong trên tổng số 9.990 ca mắc Covid-19. Tỷ lệ tử vong là khoảng 0,66%. So sánh ngang hàng, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn cầu đang là khoảng 2,1%. Tức là, so với nước ngoài, số người chết do Covid-19 ở Việt Nam là khá thấp, ngay cả khi so với tất cả các nhóm bệnh tật khác điều trị ở bệnh viện và cơ sở y tế, hoặc so với số ca tử vong vì tai nạn giao thông.
Vậy thì bạn nên đối diện với dịch này một cách bình thường. Hãy thực hiện tốt theo sự khuyến cáo 5K của cơ quan y tế. Ngay cả khi đã có 75% dân số chích vaccine, Covid-19 vẫn tồn tại hàng năm. Nhưng lúc đó, nó là dịch bệnh thông thường, kiểu như cảm cúm mà thôi. Bởi hiện tại, càng có nhiều ca được phát hiện virus qua sàng lọc ngẫu nhiên, và không có triệu chứng - tức là hầu hết sẽ tự khỏi, không cần điều trị.
Xây dựng lối sống tích cực
Cuộc chiến chống dịch được xác nhận sẽ còn kéo dài, chúng ta buộc phải chung sống cùng dịch bệnh. Còn đó nỗi lo lắng dịch bệnh nhưng cũng không nên quá sợ hãi mà điều quan trọng nhất là phải làm sao để sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Giờ đây, chúng ta đã biết trang bị cho mình những "vũ khí" hữu hiệu để có thể chung sống an toàn trong dịch bệnh. Đó là việc mỗi người dân tự xây dựng và tham gia xây dựng ý thức, một nếp sống để lan tỏa, nâng cấp trở thành nét văn hóa ứng xử trong cộng đồng dân cư: đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ, tăng cường thể dục thể thao, hạn chế tụ tập nơi đông người...
Người Việt chúng ta vốn có đời sống coi trọng tình cảm, sống gắn bó cộng đồng với nhiều mối quan hệ mật thiết... nhưng trong điều kiện phòng chống dịch cũng cần thiết phải tiết chế các hoạt động có tụ tập đông người. Việc tổ chức các hoạt động đám cưới, đám giỗ, đám tang, lễ hội... cũng cần cân nhắc, chỉ nên gói gọn trong gia đình thân thiết, không nên tổ chức rình rang, mời quá đông người, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Trước khi chưa có Covid-19, cuộc sống dễ dàng hơn nên việc chi tiêu cũng có phần thoải mái, có khi là "thả ga" để người khá giả thể hiện "đẳng cấp", người bình thường cũng muốn có chút "xông xênh" cho "bằng bạn bằng bè". Nay thì mỗi gia đình, mỗi người cần có sự thay đổi, cân nhắc tính toán thật kỹ để đủ tiêu dùng và có tích lũy phòng khi khó khăn ập đến bất ngờ; mỗi món đồ mình mua cũng phải cân nhắc về giá trị và hiệu quả, không mua sắm vô tội vạ; việc ăn uống cũng đủ dùng, không dư thừa quá độ; việc đi nhậu, liên hoan cũng hạn chế bớt để vừa đỡ tốn kém, đỡ hại sức khỏe... Đó cũng là một lối sống trở thành nét văn hóa rất nên được thực hành và nhân rộng.
>> 'TP HCM cần nâng mức độ giãn cách'
Sống chung với dịch bệnh, nhưng chúng ta phải học cách sống an toàn. Đây chính là lúc mọi người Việt phải tuân thủ nghiêm ngặt nhất các quy định về phòng chống dịch. Không hoang mang, phát tán các tin tức về dịch bệnh chưa được kiểm chứng dễ gây tác động tiêu cực. Chọn cách "giải trí" làm phong phú đời sống tinh thần phù hợp. Chúng ta có thể chọn các quyền sách hay, các chương trình giải trí sẵn có trên truyền hình và internet để cân bằng, hoặc coi đây là thời gian vàng để dành cho gia đình, được bên cạnh nhau sớm chiều, mỗi ngày, được lắng nghe nhau, được thấu hiểu, chăm sóc lẫn nhau sẽ giúp cả gia đình gần nhau hơn.
Trong đại dịch này, chỉ cần thức dậy, nhìn thấy các thành viên trong gia đình còn khỏe mạnh, đầy đủ, đó chính là đặc ân và hạnh phúc vô biên nhất. Sống, biết đủ, nhất là trong những thời khắc biến động này. Đồng lòng, cùng chia sẻ tấm lòng đến những nơi tuyến đầu chống dịch, làm được gì trong khả năng của mình, hãy thực hiện, đừng chần chừ. Thái độ sống, cách nhìn cuộc sống, biết ơn cuộc sống, lạc quan, tích cực chính là sức mạnh và là liều thuốc tốt nhất mà chúng ta cần nhất vào những lúc này.
Dù hiệu lực của vaccine không phải 100% nhưng theo các chuyên gia, đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với việc phải từ 75% người dân được tiêm vaccine trở lên thì mới gọi là an toàn hơn. Tuy nhiên, người đã được tiêm vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng. Bởi vaccine chỉ có tác dụng ngăn ngừa từ 75-95% tùy loại, nghĩa là vẫn còn nguy cơ có thể mắc bệnh.
Có chăng, đã đến lúc phải cân nhắc phổ biến và thương mại hóa công cụ test nhanh kháng nguyên để mọi người đều có thể mua ngoài tiệm thuốc và có hướng dẫn để người dân tự làm tại nhà. Nếu làm được điều này, tôi tin sẽ giảm rất nhiều áp lực cho hệ thống y tế tuyến đầu và công việc truy vết tìm Covid-19 ngoài cộng đồng dễ dàng và nhanh hơn. Người dân khi có công cụ sẽ tự nhận biết và liên hệ đến các đường dây nóng của cơ quan y tế để đựợc xử lý tiếp theo một cách nhanh nhất.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.