Tôi bị sỏi thận trong nhiều năm và đã phẫu thuật lấy sỏi cách đây 3 năm. Lần khám sức khỏe gần đây, bác sĩ phát hiện trong thận có khoảng 2-3 viên sỏi, kích thước khoảng từ 5 mm đến 2 cm. Tôi nghe nhiều người bảo sỏi thận tái phát nhiều lần sẽ gây ung thư thận? Mong bác sĩ tư vấn. (Ngọc Thư, 45 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Sỏi thận là bệnh lý thường gặp của đường tiết niệu, xảy ra khi các tinh thể vô cơ trong nước tiểu lắng xuống và kết tinh thành sỏi trong thận. Từ lâu, Việt Nam đã được xem là vùng dịch tễ sỏi do có khí hậu nóng ẩm khiến cơ thể mất nhiều nước. Khoảng 10-14% người Việt có sỏi trong thận. Sỏi thận gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như đau quặn thận, tiểu ra máu, tắc đường tiểu, nhiễm trùng thận, suy thận. Hiện nay, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra mối liên hệ giữa sỏi thận và nguy cơ mắc ung thư thận.
Phân tích một nghiên cứu ở Hà Lan trên 120.852 người từ năm 1986-2006 cho thấy, nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào thận ở người có tiền sử bị sỏi thận cao hơn 39% so với người bình thường. Nguy cơ này tăng đối với dạng ung thư biểu mô tế bào thận thể nhú nhưng không liên quan nhiều đến ung thư biểu mô thận tế bào sáng.
Các nhà khoa học còn nhận thấy, nguy cơ phát triển ung thư thận sẽ thay đổi tùy vào thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán sỏi thận. Người bị sỏi thận trước 40 tuổi có nhiều nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào thận thể nhú hơn những người mắc bệnh khi đã lớn tuổi (trên 40 tuổi). Cũng theo nghiên cứu này, nguy cơ phát triển ung thư biểu mô đường bài xuất trên ở bệnh nhân sỏi thận cao hơn 1,7 lần so với người không có tiền sử mắc bệnh.
Dù chưa được xác định chính xác nhưng các nhà khoa học cho rằng, sỏi thận lớn không được điều trị có thể cọ xát vào niêm mạc thận gây viêm nhiễm tái đi tái lại, làm kích thích, tổn thương niêm mạc thận và dẫn đến ung thư thận.
Thêm vào đó, sỏi thận cũng có thể gây suy thận. Bệnh nhân suy thận phải chạy thận trong thời gian dài dễ hình thành nang thận, từ đó, làm tăng khả năng phát triển ung thư thận. Đồng thời, một số yếu tố nguy cơ gây sỏi thận như béo phì, ít vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học cũng khiến bệnh nhân dễ mắc ung thư thận hơn.
Nhìn chung, mối liên hệ giữa sỏi thận và ung thư thận vẫn cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, bệnh nhân có tiền sử mắc sỏi thận vẫn nên thận trọng với bệnh lý này, đặc biệt là có các yếu tố nguy cơ ung thư thận khác như: là nam giới, tiền sử gia đình mắc ung thư thận, tiền sử bản thân mắc ung thư thận hoặc các bệnh thận mạn tính khác (nhất là những người cần chạy thận), tiếp xúc với nhiều chất độc hại (cadmium, pin, sơn, vật liệu hàn...), hút thuốc lá, thừa cân, béo phì, huyết áp cao.
Nếu có những yếu tố nguy cơ này, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, đồng thời tiến hành tầm soát thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời nếu đã mắc bệnh.
Trường hợp của bạn bị tái phát nhiều lần nên cần theo dõi, thăm khám theo chỉ định của bác sĩ để có biện pháp xử lý phù hợp. Bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sỏi thận như uống đủ nước, tránh nhịn tiểu, giảm muối trong khẩu phần hàng ngày, ăn ít đạm động vật và thực phẩm giàu oxalat cũng như hạn chế bổ sung quá nhiều vitamin C.
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức
Trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789
Website: https://tamanhhospital.vn
Fanpage: facebook.com/benhvientamanh