Ngày 11/10, BS.CKI Phan Trường Nam, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối sỏi nằm trong đài bể thận trái của người bệnh là dạng sỏi san hô, kích thước khoảng 3x4cm, bề mặt sần sùi, cứng, màu nâu đỏ đậm. Sỏi san hô phát triển âm thầm, không gây thận ứ nước nên người bệnh không có triệu chứng.
Bác sĩ Nam cho hay nếu điều trị vào 3 năm trước khi sỏi còn nhỏ, chị Hà chỉ cần dùng thuốc hoặc tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích. Hiện sỏi kích thước lớn, cấu tạo nhiều nhánh phức tạp, chị Hà phải điều trị xâm lấn bằng phương pháp nội soi tán sỏi qua đường hầm nhỏ bằng laser (PCNL) hoặc mổ mở. Để tiết kiệm thời gian, chị chọn mổ mở lấy sỏi, tuy xâm lấn nhiều hơn, cần nhiều thời gian phục hồi nhưng có khả năng lấy hết sỏi trong một lần mổ.
Êkíp tạo một đường mổ trên hông trái của người bệnh, từ đó bóc tách, tiếp cận thận trái, mở thận bằng cách cắt nhu mô thận theo đường vô mạch (khu vực có ít mạch máu trên thận) để hạn chế tối thiểu chảy máu, bảo tồn chức năng thận của người bệnh sau phẫu thuật. Sau 60 phút, bác sĩ lấy ra khối sỏi san hô từ thận trái của chị Hà. Ba ngày sau phẫu thuật, chị phục hồi nhanh, ít đau, ăn uống bình thường và được xuất viện.
Theo bác sĩ Nam, sỏi san hô chiếm 10-20% các loại sỏi tiết niệu, tăng kích thước nhanh, có thể hình thành một khối lớn trong 6-12 tháng, hình dạng phân nhánh đặc trưng như san hô hay sừng hươu.Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sỏi san hô khá phổ biến, nhiều trường hợp phát hiện khi sỏi đã lớn như chị Hà.
Sự hình thành của sỏi san hô thường liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu nên còn được gọi là sỏi nhiễm trùng. Do đó, đây được coi là loại sỏi nguy hiểm nhất. Bác sĩ Nam khuyên người được chẩn đoán có sỏi thận cần điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ ngay khi sỏi còn nhỏ, tránh để lâu, phải can thiệp các biện pháp xâm lấn nhiều như mổ nội soi hoặc mổ mở. Sỏi san hô không điều trị kịp thời còn có thể phát sinh các biến chứng nguy hiểm như viêm đài bể thận, nhiễm trùng thận, áp xe thận, phá hủy nhu mô thận, suy giảm chức năng thận, có thể tử vong nếu nhiễm trùng đi vào máu.
Người từng bị sỏi san hô, người cơ địa dễ tạo sỏi hoặc có người thân từng mắc sỏi tiết niệu, cần định kỳ khám sức khỏe nhằm sớm phát hiện, theo dõi và có biện pháp điều trị sỏi phù hợp. Người có biểu hiện nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần hoặc có dấu hiệu sốt, ớn lạnh, tiểu máu, đau hông lưng dai dẳng cần đến bệnh viện khám sớm để xác định chính xác nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Phòng ngừa sỏi hình thành bằng cách bổ sung đủ 2-2,5 lít nước một ngày, giảm ăn mặn, giảm tiêu thụ thịt quá mức, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, hạn chế rượu bia, các loại nước có gas, thường xuyên vận động, tập thể dục, tránh ngồi lâu...
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về thận - tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |