Theo một phân tích tổng hợp được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng châu Âu, ăn socola đen được xem như một biện pháp can thiệp ngắn hạn làm giảm mức lipoprotein mật độ thấp hay còn gọi là cholesterol xấu (LDL) và cholesterol toàn phần.
Những người tham gia nghiên cứu được bổ sung socola đen vào chế độ ăn uống hằng ngày trong 2-12 tuần. Kết quả cho thấy, sự can thiệp của socola đen làm giảm đáng kể LDL và cholesterol toàn phần. Ngoài ra socola đen còn có hàm lượng polyphenol cao, có hiệu quả trong việc tăng HDL ở bệnh nhân tiểu đường type 2.
Ngoài ra, 1/3 hàm lượng chất béo có trong socola ở dạng axit stearic. Mặc dù là một chất béo bão hòa, axit stearic dường như không làm ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol . Axit stearic có thể làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể.
Socola đen có hơn 300 hóa chất tự nhiên, trong đó có flavonoid. Flavonoid giúp làm giảm mức cholesterol LDL cũng như có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh mạch vành; kích thích lớp nội mô, lớp lót của động mạch, tạo ra oxit nitric (NO). Hợp chất này có vai trò gửi tín hiệu đến các động mạch để thư giãn, làm giảm sức cản đối với lưu lượng máu, hỗ trợ giảm huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu Tiêu thụ socola và nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đột quỵ và tiểu đường của Mỹ (năm 2017) cho thấy những người ăn socola 3 lần mỗi tuần có thể làm giảm 9% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Người tham gia nghiên cứu ăn 45 g socola mỗi tuần giúp giảm 11% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Socola ít trải qua quá trình chế biến, vì vậy mang lại lợi ích cho sức khỏe, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tim. Để tận dụng tối đa lợi ích của socola với sức khỏe tim mạch, mọi người nên lựa chọn socola đen thay vì các loại socola đã thêm các chất bổ sung như đường, sữa nguyên kem, chất làm ngọt nhân tạo...
Những người bị cholesterol cao nên có kế hoạch ăn uống lành mạnh, bỏ uống rượu, bỏ thuốc lá, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao... để kiểm soát cholesterol, bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Hà Phượng (Theo Heathline, Wery Well Health)