Ngày 3/5, BS.CKI Phạm Thế Anh, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh có một viên sỏi kích thước 12 mm ở khúc nối bể thận - niệu quản trái. Đường kính lòng trong niệu quản 2-3 mm chỉ có thể giãn rộng 7 mm, nên viên sỏi làm tắc nghẽn lưu thông nước tiểu, khiến thận ứ nước độ 2. Vi khuẩn trong nước tiểu ứ đọng lâu ngày xâm nhập vào máu gây sốc nhiễm khuẩn, đe dọa tính mạng người bệnh.
Bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM nhanh chóng truyền thuốc vận mạch để phục hồi lưu thông máu, huyết áp và điều trị kháng sinh phổ rộng toàn thân cho người bệnh. Sau khi thoát nguy kịch, huyết động ổn định hơn, bà được chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc (ICU).
BS.CKI Nguyễn Ngọc Tùng, khoa ICU, cho biết bà Mai sốt 38,5 độ C, huyết áp tụt 80/40 mmHg, có nhiều bệnh nền như sỏi thận, tiểu đường type 2, rối loạn mỡ máu. Bệnh nhân tiếp tục được truyền kháng sinh, ổn định huyết áp, lấy máu và nước tiểu nuôi cấy để tìm vi khuẩn.
Các bác sĩ đặt ống thông niệu quản (sonde JJ) nhằm giải phóng tắc nghẽn, chuyển lưu nước tiểu nhiễm khuẩn. Sau đó, bệnh nhân được đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter đo huyết áp liên tục, lọc máu liên tục với màng lọc Oxiris nhằm đào thải nhanh chóng độc tố ra khỏi cơ thể. Khi sức khỏe phục hồi, bệnh nhân mới được điều trị sỏi thận.
Theo bác sĩ Thế Anh, người bệnh từng sốc nhiễm khuẩn cần được tán sỏi thật nhanh, tránh vi khuẩn bị áp lực nước đẩy lên, thâm nhiễm qua các mao mạch nhỏ của đài thận vào máu.
Bác sĩ sử dụng ống soi mềm đường kính cỡ 3,5 mm lần lượt đi qua niệu đạo, bàng quang, niệu quản đến thận, tiếp cận sỏi. Ống mềm, độ linh hoạt cao, có thể tán được những viên sỏi nằm ở vị trí khó tiếp cận như trong đài thận mà không làm tổn thương chức năng thận.
Máy chụp X-quang di động C-Arm chụp thận của người bệnh giúp xác định vị trí viên sỏi. Qua màn hình nội soi, có thể quan sát viên sỏi hình bầu dục, hai đầu tròn, màu vàng, xù xì. Sử dụng năng lượng laser, bác sĩ nhanh chóng tán nhỏ và hút vụn sỏi ra ngoài. Ca phẫu thuật chỉ gần 25 phút.
Nội soi tán sỏi bằng ống mềm ít xâm lấn, ít đau, ít mất máu, hạn chế biến chứng, nên người bệnh phục hồi nhanh, được xuất viện sau một ngày.
Bác sĩ Thế Anh cho biết hiện nay sỏi thận có thể phát hiện đơn giản thông qua siêu âm và chụp X-quang bụng. Sỏi càng được phát hiện sớm khi kích thước còn nhỏ (dưới 5 mm), điều trị càng đơn giản, hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, ít nguy cơ phát sinh biến chứng nguy hiểm. Với những viên sỏi lớn, nguy cơ phát sinh biến chứng cao, điều trị bằng phương pháp hiện đại tốn kém chi phí hơn.
Bác sĩ khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám khi có biểu hiện đau tức hông lưng dai dẳng. Khi phát hiện sỏi, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Mỗi ngày uống đủ hai lít nước, hạn chế ăn mặn, bia rượu, đồ uống có ga, giảm đạm động vật, thực phẩm giàu oxalat (củ cải đường, chocolate, rau chân vịt...) để phòng ngừa sỏi thận.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |