"Nhờ đông lạnh phôi, gia đình tôi có đủ nếp đủ tẻ", chị Phương, 32 tuổi, nói ngày 20/6.
Chị vô sinh 4 năm do biến chứng dính buồng tử cung. Sau mổ nội soi xử lý phần tách dính, vợ chồng hai lần thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) không thành công.
Tháng 6/2019, họ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) làm thụ tinh trong ống nghiệm, tạo được 7 phôi ngày 3 chất lượng tốt. Chị Phương có thai ngay sau lần chuyển phôi đầu tiên vào buồng tử cung, sinh con gái năm 2020. 6 phôi thai còn lại được vợ chồng trữ đông, chờ sinh thêm con.
Tương tự, chị Mai 34 tuổi, vô sinh 3 năm do tắc hai vòi trứng. Tại IVFTA, bác sĩ mổ nội soi buồng tử cung và nội soi ổ bụng cắt hai vòi trứng cho chị, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm tạo được 11 phôi ngày 3. Chị Mai sinh đôi hai bé trai, nay đã 5 tuổi, và trữ đông số phôi còn lại.
BS.CKI Phan Ngọc Quý cho biết đây là hai trong số nhiều cặp vợ chồng điều trị vô sinh hiếm muộn và trữ đông phôi thai tại IVFTA. Ước tính, lượng bệnh nhân sinh con thành công từ phôi trữ đông tại trung tâm này chiếm khoảng 40%. Hiện IVFTA trữ phôi cho hơn 10 nghìn trường hợp. Mỗi năm, số người quay lại chuyển phôi để sinh thêm con chiếm khoảng 20%.
Theo bác sĩ Quý, phôi đông lạnh được lưu trữ, bảo quản trong môi trường nito lỏng ở âm 196 độ C. Tại thời điểm trữ đông, các hoạt động sinh học của tế bào bên trong phôi đều ngừng lại. Công nghệ thủy tinh hóa trữ đông phôi bằng phương pháp Cryotop, giúp loại bỏ sự hình thành tinh thể băng trong không gian nội bào và ngoại bào của phôi. Từ đó, chất lượng phôi được bảo toàn, tỷ lệ phân chia và hình thành phôi nang được đảm bảo như trước khi trữ đông.
Khi có chỉ định chuyển phôi, chuyên viên rã đông phôi từ từ trong tủ rã đông chứa chất lỏng chuyên dụng, nhiệt độ ổn định ở 37 độ C để loại bỏ chất bảo vệ lạnh, thức tỉnh các tế bào, khôi phục hoạt động sinh học trong phôi. Sau đó, phôi tiếp tục được nuôi cấy trong hệ thống tủ chuyên dụng như quy trình thông thường. Thiết bị này tạo ra môi trường đảm bảo cân bằng các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, ánh sáng, nồng độ không khí... giống với tự nhiên để phôi sống và tiếp tục phát triển thuận lợi. Tỷ lệ sống của phôi sau rã đông tại IVFTA tương đương thế giới, khoảng hơn 95%, không phụ thuộc vào giai đoạn đông lạnh.
Bác sĩ Quý cho biết hiện chuyển phôi đông lạnh có xu hướng phổ biến hơn chuyển phôi tươi. Với phôi trữ đông, người mẹ có cơ hội chuyển phôi nhiều lần, tăng tỷ lệ có thai tích lũy, giảm nguy cơ quá kích buồng trứng sau khi tiêm thuốc kích thích.
Trữ đông phôi còn giúp người bệnh có thêm thời gian hồi phục sức khỏe sau chọc hút trứng, chuẩn bị tâm lý, tài chính, điều trị các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi hoặc lựa chọn thời điểm nội mạc tử cung đạt đủ điều kiện để tiếp nhận phôi làm tổ. Từ đó, tiết kiệm được chi phí điều trị, hạn chế số lần kích trứng, đảm bảo sức khỏe.
Những trường hợp cần xét nghiệm di truyền tiền làm tổ sàng lọc các dị tật bẩm sinh (PGT), phôi rã đông sẽ tiếp tục được trữ đông trong thời gian chờ đợi kết quả, để bảo tồn chất lượng.
Bác sĩ Quý dẫn nghiên cứu cho thấy nguy cơ sảy thai sớm ở nhóm chuyển phôi tươi cao gấp 2,66 lần so với nhóm chuyển phôi đông lạnh. Nguyên nhân là do khi chuyển phôi tươi, phôi được đưa về tử cung trong cùng một chu kỳ kích thích buồng trứng. Lúc này, nồng độ hormone progesterone và estrogen cao, cản trở sự hình thành mạch của nội mạc tử cung. Ngoài ra, kích thích rụng trứng bằng liệu pháp hormone có thể làm mất sự tương tác, phối hợp giữa nội mạc tử cung và phôi thai, ảnh hưởng đến việc làm tổ của chúng trong tử cung.
Ngoài sảy thai, sinh non, người mẹ mang thai nhờ chuyển phôi tươi có thể gặp nhiều nguy cơ khác cao hơn đáng kể so với người chuyển phôi trữ đông. Các nguy cơ này bao gồm đa thai, tử vong chu sinh, trẻ sinh ra nhẹ cân, tiểu đường, tiền sản giật, tỷ lệ phải sinh mổ lấy thai...
Trữ đông phôi cũng là giải pháp bảo tồn khả năng sinh sản tối ưu dành cho nữ giới suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng thấp, mắc ung thư sắp phải hóa xạ trị hay muốn trì hoãn thời gian có con để phát triển sự nghiệp.
Các kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong IVF như bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP), cào niêm mạc tử cung (Scratching), xét nghiệm xác định thời điểm niêm mạc tử cung tiếp nhận phôi (ERA test)... giúp tăng hiệu quả chuyển phôi. Tại IVFTA, tỷ lệ thành công trung bình khi chuyển phôi sau rã đông là 71,5%. Với nữ giới dưới 28 tuổi, tỷ lệ này đạt tới 80%.
Năm ngoái, chị Phương trở lại IVFTA, được bác sĩ chuyển phôi rã đông vào buồng tử cung, tiếp tục đậu thai. Con trai chị vừa chào đời khỏe mạnh vào tháng trước.
Đầu tháng 6/2024, gia đình chị Mai cũng đón thêm một bé gái, sau khi rã đông số phôi còn lại, nuôi tiếp lên ngày 5 và sàng lọc di truyền để chọn ra phôi khỏe mạnh chuyển vào buồng tử cung.
Trịnh Mai