Tôi đồng tình với bài viết "Bài toán tiểu học ở Việt Nam làm khó học sinh cấp hai Australia" của tác giả Demy Nguyen. Trong khi tại nhiều nước phát triển trên thế giới, người ta đang hướng tới mục tiêu chủ yếu giảng dạy những kỹ năng sống, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, như hoạt động ngoại khóa, bơi lội, giữ gìn vệ sinh chung... Chính từ những hoạt động thiết thực đó, học sinh sẽ phát triển tình yêu đất nước, quê hương, đồng bào, biết đối nhân xử thế.
Còn tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang quanh quẩn với lối mòn "nhồi sọ lý thuyết" thay vì đổi mới theo xu thế chung. Ngay chính con tôi đang đi học lớp 1 cũng đã phải chạy đua với guồng quay ấy. Dù mới ở lứa tuổi còn nhỏ, nhưng mỗi buổi sáng, con đã phải thức dậy từ lúc 6 giờ 15 phút sáng, vội vã chuẩn bị vệ sinh cơ thể rồi ăn sáng để kịp đến lớp vào lúc 6 giờ 45 phút. Nếu đến trễ, con sẽ bị sao đỏ của trường ghi tên vào sổ, sẽ bị ảnh hưởng đến hạnh kiểm, chẳng hôm nào con được thong thả.
Đến chiều về, dù được tan lớp lúc 16 giờ 20 phút, nhưng con vẫn phải vội vã ăn uống sớm để xách cặp đi học thêm. Xin đừng ai bảo chuyện học thêm không ép buộc vì nếu con tôi không học thêm thì sẽ không thể bắt kịp với chương trình đào tạo của nhà trường. Giáo viên thường dùng giờ học thêm bên ngoài để hoàn thành lượng kiến thức không kịp truyền tải trên lớp. Nên cuối cùng, bé nào cũng phải đi học thêm để không bị hổng kiến thức, tụt lại so với bạn bè.
>> Trẻ lớp 1 phải học thuộc lòng bảng cộng, trừ
Các bạn cứ nghĩ thử xem, học sinh tiểu học đã phải học đủ thứ với rất nhiều môn "siêu đẳng". Môn Tiếng Việt thì học sinh phải học những tên riêng khó nhớ của các dân tộc như Sa Pa, Mù Cang Chải, học cả tiếng địa phương, học cách ghép ô chữ , đoán chữ... Môn Mỹ Thuật, Thể dục, Hoạt động ngoại khóa, Tiếng Anh... cũng đều in thành sách và bán cho học sinh. Khối lượng kiến thức nặng như vậy, làm sao các em kham nổi?
Tôi hoàn toàn đồng ý với giáo trình của Bộ Giáo dục và đào tạo, hướng các em tới phát triển tư duy toàn diện. Nhưng hãy để cho các em lớn hơn một chút nữa hãy học nặng có được không? Ví dụ như có thể học nhiều môn bắt đầu từ lớp 4 trở đi, để ít nhất các bé có ba năm đầu đời để làm quen dần với môi trường giáo dục mới. Đằng này, trẻ vừa bước chân chập chững vào lớp 1, đang tập làm quen với các mặt chữ, mà giáo trình đã cả chồng như thế thì liệu các em có theo kịp hay không? Hay sẽ làm các em cảm thấy nặng nề, quá tải, sợ học khi ngay từ khi mới bước chân vào tiểu học?
Chúng ta có thể tự hào vì nhờ phương pháp giáo dục ấy mà cho ra đời những "siêu nhân lý thuyết", đạt nhiều giải thưởng học vấn lớn nhỏ cấp thế giới. Nhưng mặt khác, hãy để tuổi thơ của các em được biết thế nào là vệ sinh xung quanh sân trường, đường phố, được học các kỹ năng giao tiếp, ứng xử thực tế thông qua thực hành những câu chuyện có thật, học các bài hát về lòng yêu nước của dân tộc, hay tìm hiểu lịch sử hào hùng của nước qua những thước phim... Tôi nghĩ những thứ đó còn quan trọng hơn cả khối lượng kiến thức lý thuyết mà chúng ta cố nhồi nhét thật nhiều vào những bộ não non nớt kia.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.