Nhiều năm qua, dư luận và báo chí đã không ít lần phản ánh những biểu hiện tiêu cực của việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên cả nước. Không phủ nhận học thêm là nhu cầu của một bộ phận học sinh. Nhưng việc giáo viên mang học sinh của mình dạy chính khóa về nhà dạy thêm đã khiến uy tín của nhà giáo bị giảm sút, thậm chí bị xem thường trong suy nghĩ của xã hội nói chung, của phụ huynh và học sinh nói riêng.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sau nhiều lần sửa đổi đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDDT. Trong đó, điều 4 đã quy định rất cụ thể những trường hợp không được phép dạy thêm:
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi một ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó."
Thông tư hướng dẫn có thể xem là sự đúc kết từ thực tiễn của ngành Giáo dục và sự góp ý của xã hội, trong đó chủ yếu là những nhà quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Có thể nói, trong bất cứ hoàn cảnh nào, giáo viên cũng không được phép dạy thêm học sinh chính khóa trên lớp của mình. Quy định chỉ cho phép học sinh có thể đăng ký học thêm để ôn tập, nâng cao kiến thức theo nguyện vọng của bản thân.
Thế nhưng, tình trạng dạy thêm vẫn diễn ra ở mức độ tương đối nghiêm trọng nhiều năm qua. Đâu đó ở một địa phương trên cả nước đã có những văn bản chỉ đạo cấm giáo viên dạy thêm trái phép. Một vài trường hợp giáo viên dạy trái quy định đã bị phát hiện và xử lý. Thế nhưng tất cả chỉ như "muối bỏ bể", không có tác dụng nhiều trong việc ngăn ngừa, răn đe.
>> Dạy thêm 'phép vua thua lệ làng'
Vì sao giáo viên dạy thêm học sinh chính khoá lại bị phụ huynh và học sinh coi thường? Nhiều giáo viên, khi dạy học sinh trên lớp đã dùng chiêu thức, tiểu xảo để khiến phụ huynh và học sinh dẫu không muốn, không có động lực học nhưng vẫn phải tham gia các lớp học thêm tại nhà từ chính thầy cô đã dạy trên lớp. Vì để an phận, khỏi phải truy bài, kiểm tra bài tập; vì được mớm đề giúp bài kiểm tra được điểm cao, hay chí ít cũng không phải bị điểm dưới trung bình. Cứ như thế, không ít học sinh tham gia các lớp học thêm chỉ để có mặt, đóng tiền trong khi kiến thức ngày càng đi xuống vì ỷ lại từ "bảo bối" chính là thầy cô dạy mình.
Chính vì đếm đầu học sinh để thu tiền, giáo viên không quan tâm đến việc học sinh có tiến bộ gì hay không, có thu nạp được lượng kiến thức gì hay không, nên nhiều lớp học thêm tại nhà của giáo viên rất đông học sinh theo học, trong điều kiện không gian phòng học chật chội, nóng nực, học sinh không chú tâm vào việc học, mà chủ yếu làm việc riêng. Đến thời điểm trước các bài kiểm tra, các em sẽ được thầy cô "mớm" đề, dẫu có quay cóp, xem bài của bạn thì giáo viên cũng tìm cách ngó lơ.
Như vậy, bản chất của việc học thêm với thầy cô dạy chính khóa chỉ là để khỏi bị gây áp lực, để có được điểm số tốt. Đương nhiên, các em quá hiểu điểm số ấy không phải từ năng lực của mình mà là từ chính đồng tiền đã đóng cho thầy cô qua các lớp học thêm. Từ đó, trong tư tưởng của những mầm non này sẽ hình thành tư tưởng đau lòng: "Cái gì cũng có thể mua được bằng tiền, dẫu đó là kiến thức. Thầy cô giáo cũng chẳng thanh cao, chẳng vĩ đại gì, sẵn sàng vì tiền mà bẻ cong tri thức, bóp méo nhân cách của người thầy". Đương nhiên, những người làm cha mẹ có con trong trường hợp này cũng không thể có cái nhìn tốt về thầy cô được vì họ hiểu vấn đề từ chính con của mình.
Về phía những người thầy, dạy học bằng cách lùa học sinh về dạy tại nhà rồi ra đề, chấm bài với những số điểm thiếu trung thực là biểu hiện của lối dạy học giả tạo, đầu độc nhận thức của học sinh. Vì lẽ đó, giáo dục đi xuống, nhân cách của người thầy bị đặt dấu hỏi? Có bao giờ những thầy cô này tự nhìn nhận lại chính bản thân mình?
Quy định đã có tức những Hiệu trưởng nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục đã có công cụ trong tay để xử lý vấn nạn giáo viên dưới sự quản lý của mình vi phạm quy định về việc dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, thực tế, tất cả sự can thiệp chỉ là những văn bản về cấm việc dạy thêm trái phép từ phía giáo viên. Một việc rất quan trọng đó là kiểm tra thực tế, phát hiện và xử lý thì lại không được thực hiện.
Trong đánh giá viên chức, công chức cuối năm, thậm chí đánh giá Đảng viên, các lãnh đạo luôn né tránh không đề cập đến sai phạm này. Có chăng, họ nói qua loa, đại khái: "Chưa có kiện cáo, chưa có phát hiện gì về hiện tượng dạy thêm trái phép ngoài nhà trường". Lâu dần, giáo viên trở nên "nhờn" luật. Văn bản thì ở trên cứ triển khai, nhưng việc dạy thêm thì vẫn cứ dạy. Giáo viên chỉ lo kiếm tiền đầy túi, còn sự thanh cao, trong sáng, gương mẫu trở nên vô giá trị.
Không thể cứ rao giảng bằng lý thuyết suông, bằng sự kêu gọi, để tác động đến lương tâm của người thầy. Thầy cô dạy sai quy định, học sinh, phụ huynh biết, xã hội biết và đương nhiên những người quản lý giáo dục lại càng tỏ tường hơn. Vậy thì cớ gì để đạo đức học đường xuống cấp, vị trí của thầy cô trong xã hội hiện nay chỉ là tiếng thở dài: không còn như xưa nữa?
Giáo dục học sinh không phải là những lời hoa mỹ trong các bài diễn văn khai giảng đầu năm học, hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; không phải từ các phong trào, các cuộc thi về truyền thống tôn sư trọng đạo, tri ân thầy cô. Giáo dục học sinh chính từ chính việc làm của những người đang làm một công việc vô cùng cao cả: dạy làm người.
Nguyễn Hồng Sơn
Tác giả Nguyễn Hồng Sơn là giáo viên trường THPT Chơn Thành, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.