Vấn đề dạy và học ở Việt Nam (không chỉ riêng môn Văn) đã tồn tại từ rất lâu. Lần nào họp bàn cũng có người nếu ý kiến, nhưng từ thời tôi đi học đến giờ là cháu tôi đi học, vẫn chẳng khác gì mấy. Tôi cho rằng nếu dạy học hướng đối tượng (học sinh) thay vì hướng thành tích như xưa nay là đã tốt lắm rồi. Như vậy thì những trường hợp "nêu cảm nghĩ cá nhân" nhưng chấm theo "cảm nghĩ cô giáo" sẽ không còn xuất hiện nữa.
Một số bạn nêu ý kiến phải chấm điểm môn Văn theo barem, nhưng tôi nhớ có trường hợp nhà văn Nguyễn Khải. Tác phẩm do ông viết, và ông tự viết cảm nhận của chính mình, nhưng chấm theo barem thì chỉ được hai điểm. Vấn đề nằm ở chính cái barem cực kỳ cứng nhắc và bảo thủ. Tôi cho rằng, văn mẫu cũng chỉ là một công cụ, có điều cách chúng ta dùng công cụ ấy quá sai. Tư tưởng dạy học của chúng ta cũng sai.
Dạy học là đào tạo, mà đã đào tạo thì phải biết điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh, qua đó phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu. Và quan trọng nhất là phải kích thích tinh thần tự học và sáng tạo. Tôi cho rằng giáo dục Việt Nam đang có cái khuôn quá nhỏ và quá cứng nhắc. Trong khi giáo dục không phải là ép buộc và theo khuôn mẫu.
>> 'Nhiều cha mẹ Việt xem con cái là cúp để trưng bày'
Tôi thấy điểm năm môn Văn là rất bình thường, vì chắc chắn rằng học sinh không giỏi môn này sẽ giỏi một môn khác. Điều cần thiết ở đây là chúng ta cần chấp nhận thực tế không phải ai cũng giỏi đều và không phải ai cũng dốt đều. Giỏi một thứ cũng đã là rất tốt rồi. Trong khi đó, chương trình của chúng ta bây giờ quá thiên về giỏi đều và nặng thành tích. Trường hợp học sinh lỡ có một môn bị điểm trung bình 6,9 là mất danh hiệu Học sinh giỏi ở ta không phải là hiếm, và nó rất không nên xảy ra.
Tôi cho rằng, khoảng 5-6 điểm nên là điểm mà ta nên thấy thường xuyên, 7-8 cho các em khá giỏi và 9-10 cho học sinh rất giỏi. Nếu đúng theo tự nhiên thì 9-10 phải rất ít chứ không đại trà như hiện tại. Tôi nhìn phổ điểm ở một số môn của cháu tôi bên châu Âu, thấy cao nhất là điểm trung bình (5-6), sau đó đều sang hai bên (tức là rất giỏi và rất dở khá đều nhau). Còn ở Việt Nam thì phổ điểm luôn nặng về bên khá giỏi ở hầu hết các môn. Tức là hầu như ai cũng khá và giỏi. Nhưng chất lượng sinh viên sau này ra sao thì ai cũng biết rồi đấy.
Làm gì có ai trong đời vừa tinh thông Sử, Địa, vừa giỏi Toán, giỏi Văn, vừa siêu Lý, Hóa mà vẫn có hoạt động thể chất thuộc loại xuất sắc (Thể dục)? Ấy thế mà nếu chỉ nhìn bảng điểm của học sinh Việt, tôi giật mình khi thấy đấy rẫy những trường hợp như thế. Cái mác thì rất đẹp, nhưng thực chất bên trong chúng ta có gì?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.