"Làm sao để khuyến khích người lao động quay lại văn phòng?", tôi nghe vài người bạn của mình làm về quản lý nhân sự than thở như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh thành phố mở cửa trở lại hậu giãn cách. Để đảm bảo quy định phòng chống dịch, nhiều công ty áp dụng biện pháp làm việc chia ca, nửa tuần đến văn phòng, nửa tuần làm việc từ xa. Bản thân tôi cũng đang trong hoàn cảnh như vậy.
Công ty tôi buộc phải đóng cửa văn phòng trong nhiều tháng dịch bùng phát, toàn bộ nhân viên phải làm việc từ xa. Không biết người khác nghĩ thế nào, nhưng với cá nhân tôi, việc thay đổi không gian làm việc không ảnh hưởng mấy đến hiệu quả và năng suất lao động của mình. Thậm chí, làm việc ở nhà, tôi còn chủ động hơn nhiều về mặt thời gian và tiền bạc, tiết kiệm được nhiều thứ.
Xét về mặt vĩ mô, cứ thử tưởng tượng nếu giờ các công ty đều cho nhân viên làm việc ở nhà, công việc và cuộc sống của con người chắc chắn sẽ cân bằng hơn. Không còn cảnh sáng sớm người người chen chúc nhau ngoài đường giờ cao điểm, tai nạn giao thông cũng sẽ giảm đi, đường sá bớt tắc nghẽn, lượng khí thải cũng giảm đáng kể, áp lực lên hệ thống giao thông công cộng sẽ được giải tỏa phần nào.
Thế nhưng, dù đem lại nhiều lợi ích về năng suất và chi phí cho tổ chức, đồng thời đóng góp tích cực vào sự an toàn của nhân viên, xã hội và môi trường, nhưng phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chỉ coi làm việc tại nhà là giải pháp tình thế, tạm thời, chứ không xây dựng đây thành một mô hình hoạt động có chiến lược lâu dài. Để người người ta lại chăm chăm tính cách kéo nhân viên quay lại văn phòng ngay khi có thể.
>> Nhân viên ngân hàng muốn làm việc ở nhà
Những người quản lý doanh nghiệp ở ta dường như vẫn luôn muốn nhân viên của mình phải đến văn phòng ngay khi mở cửa để tiện giám sát. Nhưng tôi tự hỏi điều gì mới làm nên thành công cho một doanh nghiệp? Những nhân viên điểm danh đúng giờ, ngồi làm việc như những cái máy ở văn phòng; hay kết quả công việc cuối cùng mà họ làm ra dù cho có làm việc ở nhà, quán ăn, tiệm cà phê, công viên, nhà sách...?
Đợt dịch lần thứ từ vừa qua cho tôi nhận ra một điều rằng, lương thưởng cao không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu với mình. Thứ khiến tôi muốn gắn bó hơn với công việc, với công ty là môi trường làm việc thoải mái, phù hợp. Với tôi, làm việc từ xa khiến cuốc sống dễ thở hơn, gọn gàng hơn, công việc cũng đạt hiệu quả chẳng kém gì so với đi làm tại văn phòng. Quan niệm làm việc tập trung đã không còn là độc tôn trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc. Vậy cớ sao chúng ta vận giữ mãi lối mòn quản lý doanh nghiệp theo kiểu truyền thống như vậy?
Tôi vừa nhận được email của quản lý nhân sự, yêu cầu toàn bộ nhân viên của công ty quay trở lại văn phòng làm việc. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải từ bỏ toàn bộ thói quen làm việc từ xa vốn đã đi vào ổn định nhiều tháng qua để trở lại với nhịp sống hối hả, lao ra đường mỗi sáng sớm, căng mình tám tiếng ở văn phòng với hàng tá những nội quy khuôn mẫu, và luôn trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi, kiệt sức. Tôi không hề muốn phải thay đổi một lần nữa khi vẫn làm tốt việc được giao ngay tại nhà mình. Nhưng khi sếp vẫn một mực muốn nhân viên đến văn phòng làm việc trở lại, tôi nên làm như thế nào đây?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.