"Tôi đã làm việc tại nhà được tám năm nay. Lý do văn phòng chỉ có mình tôi chăm lo cho thị trường. Lúc đầu, làm ở nhà cũng nhiều thứ bất tiện (không bàn ghế, chỗ ngồi thích hợp). Sau đó, tôi phải sắm sửa bàn ghế, mua thêm các vật dụng khác, từ việc sử dụng bộ phát 3G cho đến wifi... Làm ở nhà, điều không thoải mái nhất là không có đồng nghiệp xung quanh nên thiếu đi sự kết nối. Nhiều lúc, làm xong cũng muốn được rủ bạn bè đồng nghiệp đi dạo, đi ăn, buôn chuyện... nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội làm điều đó nên cũng khá bức bối. Nhưng bù lại, tôi tránh được mấy 'drama' công sở.
Nói chung, làm việc tại nhà đòi hỏi mỗi người phải biết sắp xếp thời gian hợp lý, tự đặt ra kế hoạch làm việc mỗi ngày để hoàn thành tốt công việc, và học cách tự xử lý các tình huống xảy ra một mình trước khi nhờ vào sự hỗ trợ của công ty từ xa".
Đó là chia sẻ của độc giả Trâm xung quanh câu chuyện "Làm việc tại gia" trong mùa dịch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm việc tại nhà (work from home - WFH) đã trở thành một xu thế tất yếu để các doanh nghiệp tồn tại và duy trì hoạt động. Việc phải thay đổi không gian làm việc một cách bất ngờ gây không ít trở ngại, khó khăn với người lao động như tốn kém chi phí, năng suất không đảm bảo, dễ bị phân tâm...
Tuy nhiên, bên cạnh những bất cập tồn tại, bạn đọc Eve Green lại chỉ ra những điểm tích cực của biện pháp làm việc tại nhà: "Cơ quan tôi áp dụng phương cách bố trí 50% nhân sự làm việc tại văn phòng mỗi ngày để phòng dịch. Đồng nghĩa với việc chúng tôi ngày làm ngày nghỉ. Nhưng thực ra, cũng chẳng gọi là 'nghỉ', vì ngày nào ở nhà cũng phải làm việc qua mạng. May mà chúng tôi không phải họp trực tuyến, chứ nghĩ cảnh vừa cho con ăn, vừa xem văn bản, đầu tóc rối bù mà sợ. Dịch đến, tôi cũng stress nặng vì thu nhập giảm nghiêm trọng, việc học phải đình trệ. Nhưng tôi tự an ủi mình rằng ngoài kia bao người còn khó khăn hơn nhưng họ vẫn chống đỡ được, mình phải mạnh mẽ lên. Tôi nghĩ rằng, mình được làm việc ở nhà vẫn còn là một may mắn".
Nhấn mạnh những lợi ích khi làm việc tại nhà mùa dịch, độc giả Lien Nguyen cho rằng: "Tôi làm việc ở nhà đã được hơn hai năm nay. Cũng có những lúc bản thân tôi thấy stress vì quá ham việc. Nhưng về cơ bản sức khỏe và tinh thần của tôi tốt hơn nhiều so với làm việc ở công ty. Nhiều khi, thức dậy đã nhức đầu, đau bụng, lại nghĩ đến cảnh thay đồ, trang điểm, lái xe hơn 30 phút mới đến công ty là tôi muốn xin nghỉ làm luôn một ngày cho đỡ mệt. Làm tại nhà, tôi có thể tranh thủ nghỉ ngơi lúc cần, và làm bù lại lúc khác, miễn sao công việc hoàn thành trọn vẹn.
Đa số những bạn ưu tiên con cái, nhà cửa mới mới thấy khó chịu khi làm việc từ xa. Tôi chỉ cần gắn cho con cái bàn xếp trong phòng ngủ là thằng bé tự học. Một lưu ý nữa là những lúc cần họp thì mọi người nên chủ động tắt tiếng bản thân cho đến khi cần phát biểu để tránh tình trạng tiếng ồn từ máy cả chục người cùng một lúc ảnh hưởng đến cuộc họp chung".
>> Tôi làm việc ở nhà hiệu quả hơn đến công ty
Đồng quan điểm, bạn đọc Binh Nguyen nhận định: "Tôi làm IT và đã thực hiện làm việc tại nhà vài ngày trong tuần kể cả trước khi dịch bùng phát. Thật ra, WFH chỉ tiết kiệm được thời gian di chuyển chứ khối lượng công việc không hề nhẹ đi chút nào. Vì làm việc từ xa, ai cũng rất sợ tạo ấn tượng xấu cho sếp và đồng nghiệp rằng mình không làm việc tập trung, lười nhác, nên lúc nào tôi cũng phải bám lấy cái laptop, sợ có tin nhắn mà mình không trả lời kịp thì người ta sẽ điều tiếng.
Tính ra WFH sẽ có hiệu suất cao hơn vì thực sự bạn phải làm việc nhiều hơn. Còn ở văn phòng, đôi khi bạn tám chuyện nửa tiếng hay đi toilet 15 phút cũng chẳng ai quan tâm hay ý kiến gì. Có mặt ở văn phòng tám tiếng mỗi ngày nhưng thực chất chúng ta chỉ là việc được bốn tiếng là giỏi. Còn WFH, bạn sẽ phải làm suốt cả ngày".
Khẳng định hiệu quả làm việc tại nhà phụ thuộc vào ý thức và thái độ sống của mỗi người, độc giả Lê Viết Quý kết lại: "Nói tóm lại, làm ở công ty hay WFH cũng đều cần kỷ luật, tự giác, tinh thần trách nhiệm. Cứ hết đỗ lỗi này, lỗi nọ, làm giảm năng suất... thì bạn chỉ càng làm mọi chuyện dở đi mà thôi. Quan trọng là trong thân tâm, suy nghĩ, cách nhìn nhận... bạn cảm thấy muốn cái gì hơn, thì ta sẽ thích ứng được ở trong môi trường đó. Cái gì làm vào cũng có trở ngại, không ít thì nhiều, ai cũng thấy đó, nhưng để có cách giải quyết hợp lý, hợp tình hay không thì lại do thái độ sống và cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người".
Lê Phạm tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.