Câu chuyện nhiều người "sập bẫy bảo hiểm" thời gian qua thu hút được nhiều quan tâm. Những trường hợp người mua bảo hiểm, vì nhiều lý do khác nhau, mà rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi chứng kiến số tiền dành dụm bao lâu nay bay hơi theo những kỳ vọng về khoản sinh lời, khiến không ít người có cái nhìn ác cảm về bảo hiểm.
Ở đây, tôi cho rằng, không có gì tồn tại được mà không có lý do của nó. Bạn có bao giờ thắc mắc rằng sao loại hình bảo hiểm lại phát triển mạnh ở các nước tiên tiến trên thế giới như vậy không? Lẽ nào họ cũng nhắm mắt mua bảo hiểm bất chấp rủi ro?
Thực ra, mấu chốt ở đây là mỗi người trước khi quyết định tham gia bảo hiểm cần phải hiểu đúng giá trị cốt lõi của loại hình đầu tư này là bảo vệ bạn khi có rủi ro, chứ hoàn toàn không phải tiết kiệm, càng không phải là đầu tư sinh lời.
Ví dụ, hãy làm một so sánh giữa người gửi tiết kiệm ngân hàng số tiền 10 triệu đồng/tháng và một người chỉ gửi tiết kiệm 8 triệu đồng/tháng và dành ra 2 triệu đồng để đóng bảo hiểm. Sau sáu tháng, hai người phát hiện mình bị ung thư giai đoạn đầu, cần tiền chữa bệnh. Người đầu tiên rút hết tiền tiết kiệm, sẽ có được 60 triệu đồng cộng thêm mấy trăm nghìn tiền lãi để chữa bệnh. Tất nhiên, sau khi chi tiêu thuốc men, khám chữa, người này sẽ không còn đồng nào nữa, thậm chí còn phải vay mượn thêm và lo kiếm tiền trả nợ dài dài.
Trong khi đó, người thứ hai sẽ được nhận tiền bảo hiểm 500 triệu đồng để chữa bệnh, còn tiền trong tài khoản tiết kiệm vẫn còn nguyên. Sự khác biệt của bảo hiểm nằm ở chỗ đó. Tất nhiên, nếu bạn khỏe mạnh, thì lợi ích của bảo hiểm chắc chắn là bằng không. Trong trường hợp đó, xét về mặt tiền bạc, sau 20 năm, người thứ nhất có thể tích lũy được nhiều hơn so với người thứ hai, nhưng lại không được bảo vệ khi rủi ro xảy ra. Thế nên bảo hiểm và tiết kiệm có hai mục đích hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Bạn tôi cũng có tư tưởng nói không với bảo hiểm, nhưng lúc cậu ấy bị bệnh, không được nhận quyền lợi từ bảo hiểm, nên mọi thứ nỗ lực cố gắng, tiết kiệm, đất đai, nhà cửa có được trước đây đều phải mất sạch để có tiền chạy chữa. Nói cách khác, mua bảo hiểm sẽ chỉ có lời khi bạn có bệnh, thậm chí là siêu lời, nhưng thử hỏi mấy ai muốn gặp rủi ro để được hưởng cái lợi đó?
>> 'Bảo hiểm dễ bán vì thổi phồng lợi ích, đánh tráo khái niệm'
Còn mấy loại bảo hiểm được nhân viên tư vấn là sinh lời như trong những sự việc lùm xùm thời gian qua, thực chất nó là bảo hiểm hiểm kết hợp với đầu tư. Tức là số tiền người mua gói bảo hiểm này được chia làm hai phần: một phần đóng vào quỹ bảo hiểm, hoạt động như các gói bảo hiểm thông thường khác, bạn không thể rút ra và chỉ được nhận lại sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng; phần còn lại được gửi vào các quỹ đầu tư của bên bảo hiểm, số tiền sẽ được sinh lời khi đầu tư có hiệu quả.
Tóm lại, đây chỉ là hình thức kết hợp hai loại hình sản phẩm khác nhau vào một của các công ty bảo hiểm nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách hàng. Vấn đề quan trọng trong những vụ việc tranh cãi gần đây, theo tôi, một phần xuất phát từ sự vô trách nhiệm, thiếu đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận tư vấn viên khi cố tình không giải thích chính xác hoặc nói theo kiểu mập mờ để khiến khách hàng hiểu nhầm về sản phẩm bảo hiểm muốn mua, dẫn đến những hệ lụy về lâu dài khi các điều khoản trở nên vô lý, và người mua sẽ chịu hoàn toàn thiệt hại.
Mặt khác, chính sự chủ quan của người mua khi không tìm hiểu kỹ về gói bảo hiểm định mua, tin tưởng hoàn toàn vào những lời hứa hẹn đường mật của nhân viên tư vấn, lười đọc kỹ lại hợp đồng, để rồi nhận lại cái kết đắng. Tất nhiên, mỗi vụ việc lại cần phải được xem xét, phân tích, đánh giá cụ thể xem lỗi thuộc về bên nào, ai chịu trách nhiệm, chứ không thể vội vàng quy kết ngay. Việc này rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý công bằng, minh bạch.
Cá nhân tôi cho rằng, trước khi yêu cầu trách nhiệm của người tư vấn bảo hiểm, bản thân mỗi người trong số chúng ta cũng cần phải là một khách hàng thông minh đã. Bạn không thể đặt bút ký một hợp đồng trị giá mấy trăm triệu đồng một cách thiếu suy nghĩ được, mà phải bỏ thời gian ra đọc kỹ từng điều khoản và tìm hiểu xem có vấn đề gì bất thường hay không? Sự chủ quan và sơ suất sẽ luôn khiến bạn phải trả một cái giá rất đắt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.