Tôi năm nay 64 tuổi, đang sinh sống tại TP HCM. Cách đây ba năm, tôi cùng vợ đến một ngân hàng thương mại để gửi tiền tiết kiệm với số tiền 200 triệu đồng. Tại đây, tôi được một nhân viên ngân hàng mời qua bàn riêng để tư vấn gửi tiền vào một gói tiết kiệm đầu tư có lời cao hơn gửi tiết kiệm, thậm chí còn được chiết khấu ngay 10 triệu đồng sau khi đóng tiền.
Tôi có hỏi kỹ là đó có phải gói bảo hiểm không thì được nhân viên khẳng định đây là quỹ đầu tư liên kết của ngân hàng. Sau đó, tôi đồng ý để vợ đứng tên trên giấy tờ. Theo đó, mỗi năm chúng tôi phải đóng khoảng 200 triệu đồng trong thời gian 5 năm. Nhân viên hứa hẹn với chúng tôi rằng mỗi năm tính lời cao hơn rất nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm.
Sau khoảng một tuần, nhân viên ngân hàng đến tận nhà đưa hồ sơ cho vợ tôi ký vào hợp đồng. Tin tưởng nhà băng nên chúng tôi hoàn toàn không hề nghi ngờ gì. Cho đến tháng 11/2021, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của một công ty bảo hiểm, nhắc nhở về hạn đóng số tiền hơn 20 triệu đồng. Lúc này, tôi mới lấy hợp đồng ra xem thì mới phát hiện ra trong đó có ghi mục đóng bảo hiểm nhân thọ với số tiền như trong tin nhắn, thời hạn từ tháng 1/2020 đến 1/2046 (26 năm).
Vội vàng cầm hợp đồng đến ngân hàng để hỏi cho ra nhẽ, tôi chỉ nhận được câu trả lời của nhân viên tại đây rằng: "Bác đưa tiền cho ai thì gặp người đó để giải quyết". Thế nhưng, sau khi hỏi ra, tôi mới biết nhân viên khi trước đã nghỉ việc rồi. Bên ngân hàng nói rằng tôi phải làm việc trực tiếp với phía bảo hiểm.
>> 'Bỗng dưng thành con nợ bảo hiểm'
Sau buổi hôm đó, có một người tự xưng là nhân viên của công ty bảo hiểm gọi điện cho tôi thông bắng rằng hợp đồng mà tôi đã ký không thể thay đổi, yêu cầu tôi tiếp tục đóng tiền đúng hạn hoặc là mất hết. Người này cũng cho tôi một giải pháp khác là đóng vào số tiền trong ba năm (600 triệu đồng) rồi xin hủy hợp đồng thì sẽ chỉ phải chịu mất ít tiền. Không còn cách nào khác, vợ chồng tôi lại phải chạy tiền để đóng vào mong sớm rút được tiền ra.
Đến nay, tôi đã đi vay mượn khắp nơi để đóng vào đủ 600 triệu đồng. Nhưng đến khi hỏi phía công ty bảo hiểm để cuối năm rút tiền ra thì, tôi chỉ được nhân viên của họ trả lời rằng sẽ "chỉ nhận về được 300 triệu đồng". Nghe vậy, tôi thực sức bức xúc với cách làm việc không khác gì bẫy khách hàng của cả phía ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm, nhưng cũng chẳng thể làm được gì.
Tại sao nhân viên ngân hàng lại tư vấn cho những người già cả như chúng tôi mua một gói bảo hiểm nhân thọ trong 26 năm mà không có giải thích rõ ràng từ đầu? Ban đầu là mang tiền đi gửi tiết kiệm ngân hàng, tại sao họ lại dụ dỗ chúng tôi chuyển qua mua bảo hiểm nhân thọ, dù ý nghĩa của hai sản phẩm này hoàn toàn khác nhau?
Giờ tôi trở thành nạn nhân của cái bẫy bảo hiểm, nhưng cả phía ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm đều đùn đẩy trách nhiệm qua lại cho nhau. Không bên nào chịu đứng ra giải quyết thắc mắc của chúng tôi một cách thỏa đáng. Với họ, khi chúng tôi đã đặt bút ký hợp đồng là coi như hết trách nhiệm. Mọi phần thiệt, hơn, lời, lỗi đều là do khách hàng tự nhận lấy. Và những người như chúng tôi sẽ buộc phải theo gói bảo hiểm đó đến cùng nếu không muốn bị mất trắng, dù điều khoản hợp đồng có vô lý đến đâu.
Liệu chúng tôi có cách nào để lấy lại số tiền dành dụm cả đời để dưỡng già? Rất mong các cơ quan quản lý sẽ sớm vào cuộc để làm rõ trắng - đen trong câu chuyện ngân hàng bán bảo hiểm lừa dối khách hàng, sớm lấy lại công bằng và niềm tin nơi người dân.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.