Thời gian gần đây, nhiều người cho biết đã bỏ tiền vào sản phẩm "tiết kiệm đầu tư" theo tư vấn của nhân viên ngân hàng với hứa hẹn khoản tiền nhận lại sẽ tốt hơn gửi tiết kiệm thông thường. Nhưng thực tế đây chỉ là sản phẩm "bảo hiểm liên kết đơn vị", quyền lợi sinh lời đầu tư chỉ là giá trị cộng thêm và không được cam kết như những gì nhân viên nhà băng tư vấn. Trong khi đó, nhiều hợp đồng bảo hiểm được ngân hàng bán cho khách dưới vỏ bọc "tiết kiệm đầu tư" có mức phí hàng năm lên tới cả trăm triệu đồng, tạo nên áp lực tài chính rất lớn với những người tham gia.
Nói về bản chất của loại hình "tiết kiệm đầu tư" này, độc giả Phong chia sẻ: "Tôi từng đi học và trở thành đại lý bảo hiểm nên biết rõ, hoa hồng năm đầu của mấy nhân viên tư vấn bán bảo hiểm có khi lên tới 40%. Vì vậy, họ thường đánh tráo khái niệm, dùng những từ hoa mỹ như 'liên kết đầu tư', 'tiết kiệm đầu tư'... để lừa khách mua bảo hiểm giá trị cao. Tuy nhiên, từ năm thứ hai, tỷ lệ hoa hồng giảm hoặc không còn nên họ gần như bỏ mặc khách hàng, không cần biết người tham gia có đủ khả năng theo tiếp hay không? Hiểu rõ bản chất nên tôi không dám tư vấn cho bất kỳ ai. Thậm chí, tôi còn khuyên người khác đừng tham gia mua bảo hiểm loại này".
Khẳng định những rủi ro của người tham gia "bảo hiểm liên kết đơn vị" chủ yếu xuất phát từ nhân viên tư vấn thiếu cái tâm, bạn đọc Ahntuan bình luận: "Tôi đã đọc hợp đồng bảo hiểm, thấy rằng đây là một loại hợp đồng rất loằng ngoằng, mà ai học sâu ngành kinh tế cũng chưa chắc đã hiểu nổi. Vậy mà các công ty bảo hiểm và ngân hàng toàn để các nhân viên mới ra trường rồi các nhân viên làm thêm, đi tư vấn bán cho khách hàng, trong khi bản thân họ cũng không hiểu sâu, hiểu rõ về hợp đồng bảo hiểm rồi. Việc chạy theo chỉ tiêu, bán lấy được đã làm sai bản chất của hợp đồng bảo hiểm. Hệ quả là nhiều người thiếu kiến thức như các bà nội trợ, người già... bị dụ dỗ để mua bảo hiểm. Từ chỗ mua bảo hiểm để dự phòng rủi ro, giờ họ lại thành người chịu rủi ro".
Đồng quan điểm, độc giả N nhấn mạnh: "Cá nhân tôi rất thấu hiểu các trường hợp này. Thú thực tôi cũng là người làm trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng cũng tham khảo và có chút hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ. Theo tôi đây là một sản phẩm nhân văn, tôi cũng tự tìm hiểu và tự mua cho mình theo nhu cầu. Tuy nhiên, chính các nhân viên ngân hàng hiện nay đã cố tình biến tướng khi tư vấn, chèo kéo khách hàng mua bảo hiểm vô tội vạ.
Khi tôi tới ngân hàng giao dịch, rất nhiều lần nhân viên ngân hàng mời chào 'gói tiết kiệm lãi cao', họ tư vấn đủ kiểu lợi ích mỗi năm, lãi cao hơn lãi tiết kiệm thông thường... mà không nhắc bất cứ điều gì đến từ 'bảo hiểm'. Đến tôi là người biết thông tin còn bị che mắt. Cho tới khi tôi yêu cầu cho xem mẫu hợp đồng, và họ đưa cho bảng minh họa bảo hiểm, tôi mới biết thực chất đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Mà tôi đã quá hiểu cách thức vận hành, trừ phí của bảo hiểm nhân thọ rồi nên kiên quyết từ chối.
Với những người không ở trong ngành, không nắm rõ thông tin, nếu bị tư vấn viên ngân hàng dụ dỗ rồi ký hợp đồng thì đúng là 'bút sa gà chết'. Thông thường, một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho phép khoảng 20 ngày để cân nhắc, tức là sau khi ký hợp đồng và đóng phí năm đầu rồi, người mua vẫn có quyền hủy hợp đồng và lấy lại phí đã nộp. Chúng ta không nên tin hoàn toàn vào những lời tư vấn ngon ngọt của nhân viên ngân hàng, hãy tỉnh táo và là người tiêu dùng thông thái, kiểm tra kỹ trước khi ký bất cứ hợp đồng nào".
>> Xác định ngân hàng ép khách mua bảo hiểm thế nào?
Trong khi đó, với quan điểm khác, bạn đọc Tien Dat Nguyen cho rằng, khách hàng đã thiếu cẩn trọng trước khi tham gia: "Không phủ nhận vấn đề của tư vấn viên, nhưng bản thân người mua cũng có lỗi. Tôi từng xem hợp đồng bảo hiểm loại này, thấy rằng khoản pháp lý rất rõ ràng, phần đầu tư cam kết cũng đúng, còn phần nhân thọ thì chỉ khi nào mất mới nhận được... Nói chung, bản thân hợp đồng đều đúng điều khoản.
Ở đây, chỉ có người mua đã không đọc kỹ hợp đồng, ký vội vì ham lời nên mới phải chịu hậu quả. Cái khó ở đây là hầu như ai cũng kêu mình bị lừa, trong khi bản thân lại không đọc kỹ từng điều khoản trong hợp đồng, chỉ nghe nhân viên ngân hàng tư vấn lãi hơn 3-5% là ký ngay. Nói chung, chính sự thiếu hiểu biết cộng với ham lời cao khiến họ rơi vào cảnh dở khóc dở cười".
"Khổ nỗi, nhiều người không cẩn thận, cứ tin tưởng tuyệt đối vào phía ngân hàng nên mới xảy ra cơ sự vậy. Ngày trước, tôi cũng bị một nhân viên giao dịch của ngân hàng chèo kéo mua kiểu này. Lúc nghe bạn tư vấn, tôi thấy cũng hấp dẫn lắm, nhưng sau đó, tôi vẫn yêu cầu được gửi toàn bộ hợp đồng và bảng mô tả chi tiết qua email. Sau khi về nghiền ngẫm, đọc từng chữ, tôi mới thông suốt rằng đây là bảo hiểm chứ không phải là khoản tiết kiệm. Chỉ vì bản thân người mua lười đọc kỹ chứ trong bộ hợp đồng có bảng mô tả rất chi tiết về phí bảo hiểm cho từng năm, ai cũng hiểu được để tránh bị lừa", độc giả Thu Hien Lam nói thêm.
Chỉ ra sai lầm trong thói quen đầu tư, tiết kiệm của nhiều người, bạn đọc Nguyễn Trung Hiếu kết lại: "Người Việt thường ngây thơ khi chỉ nghe tư vấn từ nhân viên nhà băng mà không thèm đọc kỹ hợp đồng, để rồi cứ thế đặt bút ký mà không lường trước hậu quả. Quan trọng nhất của một hợp đồng bất kỳ không phải những gì người ta nói với bạn, mà là những gì được viết trên hợp đồng.
Chúng ta thường thích hợp đồng miệng vì điều khoản có thể dễ dàng thay đổi. Chúng ta ngại thỏa thuận các điều khoản trên hợp đồng dù bên soạn đẩy hết trách nhiệm cho bên còn lại. Đa phần chỉ nghe nói phần lợi ích kiểu như 'sẽ được tính lãi 12.5% trên số tiền... dôi dư'. Trong khi dôi dư bao nhiêu
trên tổng số tiền đóng, điều kiện nhận lãi, trách nhiệm bản thân... thì nhiều người không quá quan tâm dù nó ghi rất rõ và đầy đủ trên hợp đồng. Kết cục thì như ta đang thấy hôm nay khiến họ điêu đứng".
>> Bạn có bị nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm đội lốt 'tiết kiệm đầu tư'? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.