Đọc nhiều bài viết về các trường hợp khách hàng của ngân hàng "bỗng dưng thành con nợ bảo hiểm", tôi thấy thương những người đã bị cuốn vào cái "bẫy" ký hợp đồng bảo hiểm khi khả năng tài chính của bản thân không đủ đảm bảo để tham gia.
Bản thân tôi ngày trước, lúc mới đi làm, cũng nghe được nhiều lời tư vấn mật ngọt như vậy từ các tư vấn viên bảo hiểm. Họ đánh trúng tâm lý của tôi - nghĩ mình là trụ cột kinh tế của gia đình, nếu chẳng may có chuyện gì thì có khoản tiền bảo hiểm cũng sẽ an tâm hơn cho gia đình. Vậy là tôi đồng ý đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm. Mức đóng của tôi là 12,5 triệu đồng/năm, kết thúc hợp đồng sau 15 năm (tổng số tiền phải đóng là 187,5 triệu đồng).
Bảng mô phỏng mà nhân viên bảo hiểm đưa ra cho tôi con số lên tới khoảng 600 triệu đồng (bao gồm nhiều khoản sinh lời và những quyền lợi từ bảo hiểm) sau khi đáo hạn (lợi nhuận quá hấp dẫn so với lãi gửi tiết kiệm). Thế nhưng, trái với tưởng tượng ban đầu, sau 12 năm đóng bảo hiểm đều đặn, số tiền tôi rút ra được thực tế chỉ bằng 20% con số trong bảng mô phỏng đó (khoảng 120 triệu đồng). Tính ra, tiền lãi bảo hiểm còn không bù nổi các khoản phí do hãng bảo hiểm tự đưa ra. Thậm chí, họ còn tự ý tăng phí giữa kỳ với cả những khách hàng đã ký hợp đồng trước đó.
Sau lần ấy, tôi nhận được một bài học đắt giá về bảo hiểm nhân thọ. Cũng từ kinh nghiệm đó, tôi thường xuyên cho người thân, bạn bè của mình lời khuyên khách quan khi được hỏi có nên mua bảo hiểm nhân thọ không? Tất nhiên, tôi không trả lời là "không", vì tham gia bảo hiểm hay không, ở mức nào còn tùy vào điều kiện và nhu cầu của mỗi người. Có điều, nếu được làm lại, trong hoàn cảnh đó, có lẽ tôi sẽ không mua bảo hiểm nữa. Tôi sẽ dùng tiền đó để đầu tư cho sức khỏe, cho tri thức, cho đầu tư sinh lời... có lẽ kết quả sẽ rất khác so với bây giờ.
>> Vợ chồng 64 tuổi dính bẫy lừa mua gói bảo hiểm 26 năm
Ở đây, chúng ta không để đổ lỗi những trường hợp nạn nhân của bảo hiểm như vậy là thiếu hiểu biết. Bởi, con người không phải ai cũng là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, có thể giỏi giang phán đoán được mọi chuyện đúng - sai, xấu - tốt. Đó là lý do nghề tư vấn bảo hiểm được ra đời, mục đích là cầu nối, giúp khách hàng hiểu đúng bản chất của sản phẩm bảo hiểm trước khi lựa chọn đầu tư.
Ở đây, hình ảnh ngân hàng đã mang lại sự tin tưởng quá lớn cho khách hàng. Khi họ được các nhân viên ngân hàng dẫn đường đến các sản phẩm tài chính đầu tư như bảo hiểm, chuyện đặt hoàn toàn niềm tin khi nghe những lời đường mật cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề hoàn toàn nằm ở đạo đức nghề nghiệp của nhân viên nhà băng khi tư vấn cho khách hàng. Liệu họ có đặt quyền lợi của người mua lên trên hết để tư vấn phương án phù hợp, hay chỉ cố dụ khách hàng đặt bút ký vào hợp đồng để chạy chỉ tiêu, bất chấp cả những bất lợi, rủi ro sẽ tới trong tương lai?
Thực tế hiện nay ở Việt Nam, bất kể ai cũng có thể trở thành đại lý bán bảo hiểm được, chỉ cần qua một vài buổi đào tạo bán hàng ngắn hạn. Thực ra, người ta bán bảo hiểm dễ dàng không phải là đây là sản phẩm quá tốt, toàn diện, tư vấn có tâm, mà chủ yếu phần nhiều nhờ vào chiêu trò thổi phồng lợi ích, đánh tráo khái niệm, đánh vào tâm lý của khách hàng để chốt đơn.
Chỉ đến sự cố xảy đến, khách hàng mới ngã ngửa vì hợp đồng đã ký. Lúc đó, niềm tin đã mất, những đại lý bảo hiểm cũng phủi sách trách nhiệm, chỉ còn lại người mua tự gánh chịu hết thiệt thòi về mình. Đó là lý do vì sao nhiều người ác cảm với bảo hiểm và phản đối chuyện ngân hàng bán bảo hiểm tràn lan như bây giờ. Nếu không có sự vào cuộc, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động này từ phía cơ quan chức năng, thị trường bảo hiểm ở Việt Nam sẽ còn phát triển méo mó và gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.