Bảo hiểm là sản phẩm tài chính nhằm giảm thiểu mất mát do các sự kiện rủi ro bất ngờ xảy ra. Bảo hiểm không phải là kênh đầu tư tự có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các công ty bảo hiểm, suốt một thời gian dài, đã đẩy khách hàng vào kênh đầu tư tài chính thay vì quan tâm tới giá trị cốt lõi của sản phẩm bảo hiểm. Điều đó vô tình khiến thị trường bảo hiểm Việt Nam trở nên bát nháo.
Một trong những điểm gây nhức nhối nhất là nhân viên tư vấn bảo hiểm thường "tung hỏa mù" và "bẻ lái" người mua tới những quyền lợi ngoài lề, dù các lợi ích này rất khó xảy ra trong thực tế, hoặc đi kèm với các điều kiện mà người mua khó đáp ứng đến cùng.
Từng trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo để trở thành một tư vấn viên bảo hiểm, độc giả Nhung NTT chia sẻ trải nghiệm thực tế của bản thân: "Sau khi mang thai con đầu lòng, tôi quyết định sẽ tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ như một cách bảo vệ gia đình mình. Tuy nhiên, giữa một rừng các tư vấn viên săn đón nhưng không mang lại cho tôi nhiều niềm tin, tôi quyết định sẽ tự đi học để trở thành một tư vấn viên bảo hiểm của một công ty bảo hiểm 'hàng đầu Việt Nam'. Mục đích duy nhất của tôi là để có kiến thức sâu sắc nhất về bảo hiểm (về những vấn đề cốt lõi của bảo hiểm: mức độ chi trả, phạm vi bảo hiểm, cũng như điều kiện bảo hiểm...) để xem mình có nên mua hay không?
Tuy nhiên, thật bất ngờ, sau ba ngày tham gia khóa học để trở thành tư vấn viên bảo hiểm, họ hầu như chẳng dạy tôi được gì nhiều về các vấn đề cốt lõi của bảo hiểm. Thay vào đó, tôi có cảm giác không khác gì như đang ngồi nghe một tư vấn viên bán bảo hiểm cho mình: về quyền lợi dịch vụ thăm khám sức khỏe, phần tiền lãi có được... (toàn những lợi ích, ưu việt). Cuối cùng, tôi chẳng thu được gì nhiều về mặt kiến thức bảo hiểm, dù sau đó tôi vẫn đi thi và đậu để có được chứng chỉ tư vấn viên.
Có thể thấy, hoạt động đào tạo (training) của các công ty bảo hiểm cho các tư vấn viên của mình ở ta hiện nay vẫn diễn ra một cách rất hời hợt. Mục đích chính của các công ty chỉ là làm sao để bán được thật nhiều bảo hiểm, nên họ chủ yếu dạy cho tư vấn viên của mình cách nói làm sao để thuyết phục được khách hàng, nhằm chốt được nhanh, được nhiều hợp đồng nhất có thể. Thế nên, phần lớn tư vấn viên không hiểu hết về bản chất cốt lõi của sản phẩm bảo hiểm mà mình đang bán.
Như vậy, thử hỏi làm sao họ có thể tư vấn chuẩn cho khách hàng được? Thực ra, những thông tin của tư vấn viên đưa ra có thể không sai, nhưng họ chỉ nói một nửa sự thật, dẫn tới người mua cũng hiểu không đúng về quyền lợi của mình. Sau này, khi khách hàng có phàn nàn thì đó cũng chỉ là câu chuyện giữa họ với tư vấn viên, chứ công ty bảo hiểm gần như không có trách nhiệm đứng ra để giải thích, giải quyết".
>> Quay cuồng trong cuộc chơi bán bảo hiểm của ngân hàng
Bạn đọc TT nhấn mạnh vai trò của tư vấn viên trong lĩnh vực này: "Tôi từng làm hơn 5 năm trong ngành bảo hiểm (bộ phận giải quyết khiếu nại) nhưng nói thật vẫn còn chưa hiểu hết nguyên tắc và điều khoản hợp đồng bảo hiểm. Nhiều khi khách khiếu nại, tôi vẫn phải mất vài ngày để xem xét lại hợp đồng thật kỹ trước khi phúc đáp cho khách hàng một cách thấu đáo. Có nhiều lần, bộ phận giải quyết quyền lợi xử lý không đúng, dẫn đến khách tiếp tục khiếu nại. Chính tôi còn phải đọc đi đọc lại hợp đồng, rồi bệnh án của khách hàng để giải quyết cho họ.
Có những trường hợp khó, tôi phải đi hỏi sếp trực tiếp. Ấy vậy mà sếp cũng mất tới mấy ngày mới trả lời được. Trong khi đó, nhiều tư vấn viên bảo hiểm hiện nay chỉ học có nửa ngày là được cấp giấy chứng nhận bán bảo hiểm, thử hỏi họ lấy đâu ra kiến thức mà tư vấn đàng hoàng và đúng chuẩn cho người mua được?
Hiện tại, tôi đã quyết định nghỉ làm ở bên bảo hiểm vì quá áp lực và thường xuyên phải nghe khách hàng chửi bới. Khách hàng luôn bực tức vì tư vấn viên nói không rõ ràng (theo kiểu mua bảo hiểm lúc đi học đào tạo cũng được quản lý training cho là như vậy nên cứ thế làm theo. Vì cũng từng làm ngành bảo hiểm nên tôi biết rằng, bản chất của bảo hiểm là rất tốt, nếu có điều kiện thì ai cũng nên mua bảo hiểm.
Thực tế, tỷ lệ công ty bảo hiểm chi trả cho người mua cũng rất cao. Nhưng việc kiểm tra và đào tạo lại tư vấn viên là việc các công ty bảo hiểm cần phải nghiêm túc xem xét lại. Tôi cho rằng, cần có quy chế xử phạt nếu như tư vấn viên bảo hiểm tư vấn không đúng bản chất cho khách hàng. Không thể bao biện theo kiểu do nhân viên bán hàng tư vấn sai đã nghỉ việc rồi nên công ty không có trách nhiệm gì với khách hàng nữa".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.