Tình trạng "mua bảo hiểm vì cả nể" đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Vì e ngại mất đi một mối quan hệ, công việc, hoặc sợ bị nhìn nhận, đánh giá, hay không muốn chịu thêm phiền phức mà nhiều người đã tặc lưỡi bỏ tiền ký một hợp đồng bảo hiểm. Khi hợp đồng được ký kết không xuất phát từ nhu cầu thực tế, bản thân người mua, không nghiêm túc dành thời gian tìm hiểu về sản phẩm, một khi xảy ra tranh chấp, khách hàng dễ gánh chịu phần thiệt.
Cũng rơi vào trong tình cảnh trớ trêu khi nhắm mắt ký hợp đồng bảo hiểm chỉ vì nghe theo tư vấn của người quen, độc giả Cu Trong Xoay chia sẻ câu chuyện của mình: "Tôi cũng nằm trong số những người cả nể mà mua bảo hiểm nhân thọ cho con trai sau khi nghe lời tư vấn ngon ngọt của một người bạn. Sau khi người này liên tục gọi điện, hẹn gặp, nài nỉ, thuyết phục, cuối cùng, tôi cũng tặc lưỡi mua cho xong một hợp đồng bảo hiểm với mức đóng tối thiểu, thấp nhất và ngắn nhất.
Trong quá trình đóng phí, đã ba lần tôi định kết thúc hợp đồng trước hạn cho rảnh nợ, nhưng có người bạn khác cứ khuyên tôi theo tiếp để đỡ phí. Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành được hợp đồng cho đến lúc đáo hạn. Khi tôi đến nhận tiền, bản thân cũng không cân đong đo đếm xem mình được nhận lại bao nhiêu, lời hay lỗ thế nào. Điều khiến tôi khó chịu nhất là ngay lúc đó lại có tư vấn viên khác đến tiếp cận và gạ gẫm thôi mua gói mới. Họ chẳng thèm quan tâm tới quyền lợi và cảm nhận của khách hàng.
Sẵn trong người đang bực bội, tôi nói thẳng luôn: 'Tôi đang bị huyết áp cao và bệnh tim mạch, còn có nguy cơ bị ung thư, bên bảo hiểm có bán gói nào như vậy không?'. Lập tức từ đó, không còn ai gọi điện hay hẹn gặp, làm phiền tôi nữa. Sau này tôi cũng 'mách' lại kinh nghiệm này cho nhiều người thân áp dụng".
Những tưởng mua bảo hiểm để được bảo vệ, nhưng bạn đọc Đàm Tư lại chỉ nhận về mệt mỏi và bực tức: "Tôi cũng mới mua cho bố vợ một hợp đồng bảo hiểm. Đến nay, tôi đã đóng được ba năm rồi. Nhân viên tư vấn và bán bảo hiểm cho tôi là con nhà dì ruột. Lúc đó, bên nhà vợ tôi cũng đòi mua theo tới mấy cái, nhưng tôi phải can ngay, đồng thời phân tích cả mặt lợi và bất lợi cho mọi người hiểu. Cốt lõi là nhà vợ tôi đã nghèo, không có tiền nhưng vẫn cứ đòi mua.
Cuối cùng, sau khi bị đeo bám tư vấn nhiều quá, tôi đành tặc lưỡi mua một cái cho bố vợ để mọi người hài lòng. Lúc ký hợp đồng, họ nói đóng tiền 15 năm, sau ba năm đầu thì rút ra lúc nào cũng được cam kết hưởng lãi, hết hợp đồng được hưởng 150 triệu đồng (lúc đó nhà vợ tôi ký hợp đồng).
Nay tôi xem lại trong hợp đồng, thấy ghi thời hạn lên tới 52 năm. Tôi nghĩ bụng, đến khi được hưởng được số tiền này, không biết chúng tôi còn sống không? Chưa kể sau ba năm, tôi muốn rút ra thì công ty chỉ cho rút một phần nhỏ sau khi trừ các chi phí. Chỉ vì nể người nhà nên tôi mua, giờ nghĩ lại vừa mệt mỏi, vừa bực bội".
>> Tôi mua bảo hiểm nhân thọ 'lỗ vốn' 200 triệu đồng
Hối hận sau khi tin lời người quen mua bảo hiểm, độc giả Đào Thị Hà Trang bình luận: "Tôi tham gia một gói bảo hiểm do người quen tư vấn với mức đóng 10 triệu đồng một năm. Lúc tư vấn, họ cũng nói là sau 10 năm tôi có thể lấy tiền ra để lo việc nọ ,việc kia nếu cần. Họ chỉ nói đến những quyền lợi mà tôi có thể nhận được chứ hoàn toàn không đả động gì đến những ràng buộc gì cả. Vì cứ ngỡ là vừa được bảo hiểm rủi ro, lại vừa có tiền lo công chuyện khi cần, nên tôi mới quyết định tham gia.
Nhưng thực tế, sau khi xem kỹ lại hợp đồng, công ty bảo hiểm ràng buộc tôi đến tận lúc lìa đời. Và nếu có công chuyện, cần lấy tiền ra theo thời gian mình mong muốn ban đầu, tôi sẽ bị mất một khoản tiền không hề nhỏ so với tiền gốc đóng vào. Chứ nếu biết điều đó ngay từ lúc nghe tư vấn thì tôi đã chẳng tham gia. Đúng là tôi ngu dốt nên mới lỡ ký hợp đồng. Lời khuyên của tôi cho các bạn là tốt nhất đừng nên nghe tư vấn ngon ngọt của người thân quen. Nếu không hiểu rõ thì bạn đừng tham gia vào bảo hiểm nhân thọ nếu không sẽ lại hối hận như tôi".
Trong khi đó, tỉnh táo hơn trước những lời dụ dỗ ngon ngọt mà người quen tư vấn, bạn đọc Quoc Thanh Tran may mắn khi thoát khỏi rắc rối của bảo hiểm: "Mang cả đống tiền để đi mua một lời hứa quả là một sai lầm tai hại. Tôi cũng được cả người nhà, lẫn bạn bè nài nỉ mua bảo hiểm nhân thọ. Dù hết lần này đến lần khác từ chối, nhưng tôi vẫn thường xuyên bị gọi điện chèo kéo. Tôi nói rõ ràng với họ rằng nếu chịu sửa lại hợp đồng thì tôi mới ký.
Yêu cầu của tôi là: Thứ nhất, hợp đồng phải thật đơn giản, rõ ràng: phí nộp là bao nhiêu một năm, thời gian trong bao nhiêu năm? Thứ hai, quyền lợi được hưởng cũng phải rõ ràng, danh sách bệnh tật được bảo hiểm, mức chi trả từng loại bệnh khi nằm viện, điều trị... phải được kê chi tiết. Thứ ba, sau khi hết hạn đóng, số tiền tôi được rút lại là bao nhiêu? Ngoài ra, tôi muốn bỏ hết các loại ngôn từ loằng ngoằng, khó hiểu, theo kiểu điều nọ lại tham chiếu đến điều kia như hợp đồng mẫu. Cuối cùng, họ đành chịu thua và không nài nỉ tôi nữa.
Cũng may nhờ cứng rắn vậy nên tôi chưa dính phải một hợp đồng bảo hiểm nào. Bản chất bảo hiểm nhân thọ là tốt nhưng ở nước ta nó đã và đang bị bóp méo. Nhân viên tư vấn hầu hết đều là người làm tạm thời như nghề tay trái, hiểu không sâu, không chuẩn về sản phẩm mà mình tư vấn nên người thiệt hại cuối cùng vẫn chỉ là khách hàng".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.