Chị Hương bị sa trễ ngực từ năm 25 tuổi sau khi sinh con thứ nhất, nặng hơn sau sinh con thứ hai. Chị áp dụng nhiều cách để giảm cân, massgae, tập thể dục mong ngực thon gọn song thất bại, đến khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Ngày 19/12, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, cho biết nhũ hoa chị Hương thấp hơn chân ngực 12 cm, tình trạng sa trễ ở mức độ ba. Người bệnh có mô ngực dày, chỉ cần phẫu thuật treo ngực sa trễ, cải thiện tình trạng chảy xệ, giữ nguyên kích thước vòng một.
Bác sĩ Tấn cùng êkíp bóc tách mô tuyến vú ra khỏi bao da xung quanh rồi khâu xếp nếp mô vú, cắt bớt da thừa để bầu ngực được treo lên trên và căng tròn, tạo hình khuôn ngực. Các bác sĩ không cắt bỏ bất kỳ mô tuyến vú nào, không làm giảm thể tích bầu ngực, hạn chế tối đa nguy cơ tạo sẹo, bảo đảm thẩm mỹ. 12 tiếng sau mổ, chị hồi phục sức khỏe, xuất viện.
Sa trễ ngực là tình trạng vị trí nhũ hoa di chuyển xuống dưới và vào trong so với vị trí bình thường, gồm ba cấp độ. Với sa trễ ngực độ một, nhũ hoa hạ thấp 2-5 cm tính từ chân ngực. Mức độ hai, nhũ hoa hạ thấp 5-10 cm, còn độ ba thấp hơn 10 cm.
Trong quá trình mang thai và cho con bú, tuyến sữa của người mẹ phát triển nhanh chóng khiến vòng một tăng kích thước, kéo giãn các dây chằng nâng đỡ cơ ngực và căng da. Lượng sữa lớn gây áp lực làm biến dạng mô mỡ. Khi cai sữa, tuyến sữa ngừng hoạt động, bầu ngực người mẹ teo nhỏ, chảy xệ, da nhão, nhăn nheo.
Cơ thể lão hóa theo thời gian cũng khiến ngực mất độ săn chắc, đàn hồi. Phụ nữ tăng cân, ngực cũng tăng kích thước theo. Khi giảm cân, ngực thu nhỏ để lại da thừa, kém đàn hồi. Trọng lực của ngực cũng khiến dây chằng căng ra và chảy xệ.
Bác sĩ Tấn cho biết sa trễ ngực không nguy hiểm, không phải yếu tố gây nguy cơ ung thư vú nhưng khiến người bệnh mất tự tin, căng thẳng. Phẫu thuật sa trễ ngực an toàn nhưng cần thực hiện ở bệnh viện có nhiều chuyên khoa phối hợp, trang thiết bị máy móc hiện đại, bác sĩ chuyên phẫu thuật và tạo hình tuyến vú. Trước phẫu thuật, người bệnh cần được siêu âm, chụp nhũ ảnh xác định có bất thường hay không, từ đó bác sĩ có chỉ định phù hợp.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |