Tết là dịp tụ tập bạn bè và gia đình liên hoan ăn uống. Dịp này nhiều người cũng uống rượu bia để chia vui, chúc mừng nhau. ThS.BS Dương Công Lĩnh, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý hạn chế rượu bia tối đa bởi chúng tác động đến huyết áp theo nhiều cách. Chất cồn trong máu làm giãn các mạch máu tạm thời, tăng lưu lượng máu lên bề mặt da. Người uống có cảm giác ấm áp tạm thời nhưng sau đó bị mất nhiệt, giảm huyết áp giai đoạn đầu.
Bác sĩ Lĩnh giải thích uống rượu bia thời gian dài có thể kích thích hệ thống renin - angiotensin - aldosteron gia tăng chất gây co mạch mạnh, thúc đẩy giữ muối và nước, dẫn đến huyết áp động mạch tăng cao. Lượng cồn nạp vào cơ thể mức trung bình tới cao làm giảm huyết áp trong khoảng thời gian 12 giờ sau uống, bắt đầu gây tăng huyết áp từ 13 giờ trở đi. Chất cồn theo máu đi khắp cơ thể, khiến tim tăng hoạt động. Rượu bia làm tăng nhịp tim đến 24 giờ, sau đó nhịp tim đập nhanh hơn bình thường khoảng 15 nhịp mỗi phút. Tim tăng hoạt động co bóp lâu dài, giảm chức năng co bóp của tim, hậu quả là các bệnh giãn nở tim do rượu và suy tim.
Tác hại của rượu bia phụ thuộc vào lượng cồn nạp vào cơ thể và tốc độ uống. Lạm dụng rượu bia cũng có nguy cơ gây rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu... Người có bệnh nền cao huyết áp uống nhiều rượu bia có nguy cơ cao rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột tử.
Bác sĩ Lĩnh khuyên người cao huyết áp, có bệnh nền tim mạch, thận, hô hấp, người gầy yếu, suy dinh dưỡng... không nên uống rượu bia, thay vào đó uống trà xanh thay thế, có lợi cho sức khỏe. Không sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường hay tự ý ngâm rượu khi không biết rõ thành phần. Không nên pha rượu với bia, chất kích thích do có thể gây ngộ độc cấp, chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, trường hợp nặng có thể dẫn đến mất tri giác, tử vong.
Không nên uống rượu bia khi đói. Bởi dạ dày rỗng làm cho nồng độ cồn trong máu tăng nhanh, gây choáng và nghiêm trọng thêm các ảnh hưởng của rượu đối với sức khỏe. Mọi người nên ăn lót dạ trước khi uống rượu bia hoặc vừa ăn vừa uống. Một số loại nước uống như nước gừng, trà gừng, nước chanh, nước cam... hay các loại thực phẩm chứa đường, tinh bột như cháo trắng, bánh mì, ngô, khoai, sắn... giúp giải rượu hiệu quả.
Sau khi uống rượu bia, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia giao thông; không tham gia các hoạt động ngoài trời, tránh ngã, va chạm, chấn thương. Trong thời tiết lạnh, người uống rượu bia cũng nên giữ ấm cơ thể. Khi lượng cồn trong máu cao, đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh dễ dẫn tới cơn tăng huyết áp, đột quỵ. Người có sức đề kháng yếu dễ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản. Sau khi uống rượu bia, cơ thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp không ổn định, nhìn mờ bóng mây..., người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế gần nhất.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |