Một phụ nữ 29 tuổi, đi khám và cho biết bị tiểu khó, chậm, hậu quả do thói quen nhịn tiểu để làm việc, chỉ đi vệ sinh lần một ngày và uống rất ít nước. Sau khi được xét nghiệm, bác sĩ phát hiện chị bị rối loạn chức năng bài tiết. Cơ bàng quang và niệu đạo phối hợp kém, yếu, không thể phục hồi, chưa ảnh hưởng đến thận. Chị phải dùng thuốc, tập cơ sàn chậu dưới sự giám sát của chuyên gia vật lý trị liệu hoặc y tá chuyên khoa hướng dẫn.
Tình trạng này không hiếm gặp ở phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, theo bác sĩ Fiona Wu, cố vấn liên kết của Khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore. Lý do là họ có thói quen nhịn tiểu vì công việc, hoặc không đi tiểu do nhà vệ sinh công cộng bẩn.
Họ cũng có thể uống ít nước hoặc mắc táo bón. Một số đi tiểu rất chậm. Song, chị em chỉ đi khám khi bị sức khỏe cơ thể bị ảnh hưởng.

Nhịn tiểu thường xuyên gây bệnh đường tiết niệu. Ảnh: Freepik
Vì sao không nên nhịn tiểu?
Ở người bình thường, bàng quang khỏe mạnh có thể chứa hơn 470 ml nước tiểu, còn ở trẻ em thì ít hơn. Bàng quang có thể căng ra để chứa nhiều nước tiểu hơn, cho đến khi có thể đi vệ sinh. Do đó, một hoặc hai lần nhịn tiểu có thể bình thường. Tuy nhiên, khi nhịn tiểu thường xuyên, trở thành thói quen, vấn đề sức khỏe sẽ xuất hiện, bao gồm:
Đau bàng quang: Những người thường xuyên nhịn tiểu có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở bàng quang hoặc thận. Khi họ đi tiểu được, việc này cũng có thể gây đau. Lý do là các cơ bị siết chặt một phần sau khi đi tiểu, dẫn tới chuột rút vùng chậu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Trong một số trường hợp, nhịn tiểu quá lâu có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu, Với người có tiền sử nhiễm trùng, bệnh có nguy cơ tái phát cao hơn. Những người không uống đủ nước cũng có thể dễ nhiễm trùng tiểu hơn vì bàng quang không báo cho cơ thể đi tiểu thường xuyên, khiến vi khuẩn lây qua đường tiết niệu nhanh hơn.
Căng bàng quang: Về lâu dài, người thường xuyên nhịn tiểu có thể khiến bàng quang căng ra. Lúc này, bàng quang khó hoặc không thể co bóp, bài tiết nước tiểu bình thường, có thể phải đặt ống thông tiểu. Về lâu dài, bàng quang có thể không giữ được nước tiểu nữa.
Tổn thương cơ sàn chậu: Thường xuyên nhịn tiểu sẽ gây hại cho cơ sàn chậu làm nhiệm vụ co thắt niệu đạo, giữ niệu đạo đóng lại để ngăn nước tiểu rò rỉ. Khi cơ này bị tổn thương, mọi người có thể bị tiểu không tự chủ, cần thực hiện các bài tập sàn chậu ví dụ Kegels và phục hồi tình trạng mất cơ.
Sỏi thận: Nhịn tiểu có thể khiến sỏi thận hình thành ở những người có tiền sử mắc bệnh này hoặc ở người có nước tiểu chứa lượng chất khoáng cao, ví dụ axit uric hoặc canxi oxalat.
Đối với người bệnh tiểu đường, có vấn đề tủy sống hoặc phẫu thuật xương chậu, nhịn tiểu có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn chức năng bài tiết hoặc rối loạn thận. Ngoài ra, những người bị phì đại tuyến tiền liệt, cơ bàng quang yếu hoặc tổn thương thần kinh hệ thống tiết niệu, bị bí tiểu.
Vì vậy, mọi người không nên nhịn tiểu trừ các trường hợp đặc biệt, ví dụ bệnh nhân có bàng quang hoạt động quá mức, cần nhịn tiểu để điều trị bảo tồn. Lời khuyên chung là mọi người nên đi tiểu khi bàng quang đầy. Nếu không thể đi vệ sinh ngay lập tức, mọi người có thể nhịn tiểu, sau đó tập cho cơ thể đi vệ sinh đúng giờ. Ví dụ đi vệ sinh ngay sau khi thức dậy, lên kế hoạch đi vệ sinh thường xuyên, đừng đợi cho đến khi quá buồn tiểu mới đến phòng vệ sinh. Nếu phải nhịn tiểu lâu, bạn hãy cho bản thân đi vệ sinh 5-10 phút để thư giãn hoàn toàn, đảm bảo bàng quang đã trống rỗng.
Chi Lê (Theo Insider, Medical News Today, Channel News Asia)