Những người theo chế độ ăn kiêng 500 calo (còn gọi là VLCD) có mục đích chỉ ăn 500 calo mỗi ngày, bằng khoảng 1/4 lượng khuyến nghị hàng ngày cho người lớn. Việc ăn kiêng theo chế độ dinh dưỡng này có thể đi kèm với rủi ro, theo Medical News Today.
Thiếu hụt dinh dưỡng: Ăn 500-800 calo mỗi ngày có thể khiến mọi người có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt, người lớn tuổi có thể gặp tình trạng này cao hơn.
Khả năng bị sỏi mật: Sỏi mật có thể làm tắc ống mật, gây đau bụng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ như: nhịn ăn trong thời gian dài; béo phì, giảm cân nhanh chóng; sỏi mật từ trước; liên tục giảm và tăng cân. Các nghiên cứu cho rằng, việc ăn thực phẩm giàu chất xơ, giảm tiêu thụ carbohydrate tinh chế, đường cũng có thể ngăn chặn tình trạng.
Thiếu chất béo có lợi cho sức khỏe: Trong ba chất dinh dưỡng đa lượng (chất béo, chất đạm và chất bột đường), chất béo có hàm lượng calo cao nhất. Nếu tuân thủ chế độ ăn kiêng 500 calo thì nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng cao. Chất béo không bão hòa có trong cá hồi, quả bơ, rất có lợi cho cơ thể.
Chế độ ăn ít chất béo cũng làm tăng nguy cơ thiếu hụt các vitamin tan trong chất béo chẳng hạn như vitamin E, đồng thời cơ thể kém hấp thu chất chống oxy hóa.
Mất cơ: Giảm cân quá nhanh có thể khiến một người có nguy cơ mất cơ thay vì mỡ. Việc giảm khối lượng cơ có thể tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất. Đây là một tác dụng không mong muốn vì làm giảm khả năng đốt cháy calo, ngăn ngừa chấn thương của một người. Việc xây dựng cơ nạc trong khi ăn một chế độ ăn uống lành mạnh thường là cách tốt hơn để giảm cân bền vững.
Không thích hợp với người có bệnh nền: Những người mắc bệnh tim; tiểu đường type 1; bệnh tuyến giáp; bệnh thận; bệnh gout; sỏi mật không nên áp dụng chế độ ăn kiêng 500 calo nếu không có sự chấp thuận và giám sát của bác sĩ.
Có thể giảm sức khỏe của xương: Ảnh hưởng lâu dài của VLCD đối với sức khỏe của xương chưa được biết rõ vì mọi người không áp dụng chế độ ăn kiêng trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc thiếu hụt các khoáng chất, chất dinh dưỡng cần thiết có thể khiến xương yếu đi theo thời gian.
Thực tế, nhiều loại thực phẩm nghèo nàn và nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng có thể khiến chế độ ăn 500 calo trở nên nguy hiểm. Mỗi người cần có sự giám sát của chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện chế độ ăn kiêng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, chế độ ăn kiêng 500 calo có thể có lợi trong thời gian ngắn đối với những người bị béo phì hoặc như một biện pháp trước khi phẫu thuật. Những người muốn giảm cân lành mạnh nên thực hiện chế độ ăn uống, thay đổi lối sống bền vững. Bạn có thể cân nhắc chế độ ăn 5:2, ăn có giới hạn thời gian hoặc nhịn ăn luân phiên trong ngày (ADF) để thay thế. Những chế độ ăn kiêng này mang lại cơ hội tiêu thụ nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, chất béo có lợi cho sức khỏe.
Trong chế độ ăn kiêng 5:2, một người ăn một lượng calo lành mạnh thường xuyên vào 5 ngày trong tuần. Sau đó giới hạn lượng calo tiêu thụ của họ ở mức 500-600 calo trong 2 ngày không liên tục.
Chế độ ăn có giới hạn thời gian có nghĩa là một người chỉ có thể ăn vào những giờ nhất định trong ngày. Ví dụ, họ có thể nhịn ăn trong đêm, chỉ ăn trong khoảng thời gian từ 9h sáng đến 7h tối. Thực hiện ADF là cách tiếp cận hình thức nhịn ăn không liên tục. Bạn có thể ăn 500 calo một ngày, tiêu thụ một lượng calo lành mạnh đều đặn vào ngày tiếp theo.
Một phân tích tổng hợp nhận thấy, những người áp dụng ADF giảm mỡ cao hơn so với những người theo chế độ ăn kiêng 500 calo. Họ dường như cũng có ít nguy cơ bị mất cơ hơn. ADF hoặc chế độ ăn kiêng 5:2 có thể giúp một người đạt hiệu quả giảm cân hoặc lợi ích sức khỏe tương tự như áp dụng chế độ ăn kiêng 500 calo nhưng dễ thực hiện hơn.
Lê Nguyễn