Cô gái giấu tên và tuổi tác, cho biết ăn kiêng vì mong muốn trở nên xinh đẹp trong lễ cưới. Ý định này đã nhen nhóm khi cô đọc các lời bình luận về đám cưới trên trang mạng xã hội cá nhân như "cô dâu sẽ thật xinh đẹp", "mong chờ thấy bạn mặc váy cưới"...
Vì vậy, cô bắt đầu ăn kiêng ngay sau lễ đính hôn vào năm 2018, quyết tâm sẽ có thân hình đẹp sau 2 năm để tổ chức lễ cưới. Cô mua một máy tập hình elip, theo dõi cẩn thận lượng calo nạp vào cơ thể, chọn bữa ăn lành mạnh hơn.
Suốt thời gian cách ly vì Covid-19, cô gái tìm cách giảm cân, thử các phương pháp ăn kiêng mới đến mức ám ảnh. Cô hạn chế nghiêm ngặt việc ăn uống, cân nhiều lần trong ngày, tuân thủ các quy tắc thể dục như chạy 45 phút trên máy và đi bộ 120 phút trong ngày thường, tăng lên 180 phút vào cuối tuần. Cô gái cũng thử nhịn ăn gián đoạn, sau đó giảm được 22 kg, gấp đôi so với dự kiến.
Song, chế độ ăn kiêng ngặt nghèo ảnh hưởng tới tính cách và hành vi của cô gái. Kim cân chỉ cần nhích lên chừng 0,1 kg, cô cảm thấy không còn động lực cho cả ngày. Nếu cân nặng chỉ giảm 0,1 kg, cô sẽ dành cả ngày để thận trọng chọn kế hoạch ăn uống hơn để đảm bảo không tăng cân lại vào hôm sau. Cô gái cũng không uống nước vào buổi tối muộn hoặc qua đêm để không ảnh hưởng tới cân nặng.
Tính cách của cô cũng thay đổi, tranh cãi với chồng sắp cưới nhiều hơn, hoảng sợ và lo lắng nếu không thể tự chuẩn bị bữa ăn, òa khóc nếu bạn bè rủ ăn bánh kem. Khi đói, cô đi ngủ để không cảm thấy thèm ăn và không cho người khác can dự vào lịch trình ăn uống.
Thời gian ăn kiêng kéo dài đến 2 năm rưỡi do Covid-19 khiến cô không thể tổ chức đám cưới đúng hẹn. Bên cạnh đó, nhiều người khen ngợi cô vì giảm cân nhanh, khiến cô càng đắm chìm trong các chế độ ăn và tập thể dục ngặt nghèo hơn.
Cô gái cho rằng chế độ ăn kiêng này là vô hại, song sau đó mắc chứng rối loạn ăn uống khi trở lại các bữa ăn bình thường. Trong vòng hai tháng, cô ăn uống không kiểm soát, không kiêng khem vì cảm thấy đói. Có lúc, cô ăn hết một ổ bánh mỳ chỉ trong 15 phút, rồi nằm trên sàn bếp và khóc, gập người lại vì quá no. Cô phải tìm chuyên gia y tế, điều trị cân bằng giữa thuốc và liệu pháp tâm lý, để cải thiện vấn đề của cô gái.
Kết quả này không khiến Robyn Goldberg, chuyên gia dinh dưỡng và tác giả của sách "Cái bẫy rối loạn ăn uống" ngạc nhiên. Goldberg dẫn ra một nghiên cứu cho thấy cứ ba người ăn kiêng thì có một người mắc chứng rối loạn ăn uống, tức là chứng rối loạn ăn uống rất phổ biến. Một số người phải đến bệnh viện điều trị, cảm thấy mệt mỏi với chế độ ăn nhưng không thể dừng lại.
Việc ăn kiêng giảm cân, sau đó phải kéo dài do đại dịch, được ví như đổ xăng vào đám lửa đang cháy sẵn. Lý do là kéo dài ăn kiêng khiến cho cơ thể thiếu thức ăn, phản ứng lại bằng cách giảm tốc độ trao đổi chất, từ đó dẫn tới hành vi ăn quá nhiều hoặc ăn uống vô độ. Ăn kiêng cũng làm tăng các vấn đề sức khỏe khác như trầm cảm và lo lắng.
Rối loạn ăn uống có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống và giảm khả năng đối phó với các tình huống căng thẳng. Những người ăn uống không điều độ thường có cảm giác tội lỗi, xấu hổ và thất bại, có thể tự cô lập vì sợ tham gia những bữa ăn bình thường với mọi người.
Do đó, các chuyên gia cho rằng mọi người nên xem xét thay đổi lối sống, cân nhắc về nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể thay vì ăn kiêng ngặt nghèo. Mọi người nên tập trung vào những thực phẩm có thể ăn nhiều hơn, thay vì đột ngột bỏ bữa, ăn ít đi. Ví dụ tăng rau xanh, trái cây, thực phẩm lành mạnh, tập trung vào bữa ăn hơn, chọn lựa những món ăn gây cảm giác no và thỏa mãn.
Hãy tránh các chế độ ăn kiêng nếu bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống, thay vào đó hãy ăn khi cảm thấy đói. Nếu bạn muốn cải thiện vóc dáng, giảm cân, có thể xin lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia về dinh dưỡng.
Chi Lê (Theo Channel News Asia)