Trả lời:
Bệnh Meniere là một dạng rối loạn tiền đình ngoại biên (ở tai trong) với triệu chứng phổ biến gồm chóng mặt, ù tai và giảm thính lực. Người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như choáng váng hoặc cảm giác đầy nặng tai. Các triệu chứng của bệnh Meniere không xuất hiện liên tục mà diễn ra thành từng đợt. Mỗi đợt có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng liên quan đến tiền đình - thính lực cùng một lúc.
Nguyên nhân gây bệnh Meniere vẫn chưa được biết rõ. Một số giả thuyết liên quan đến sinh lý bệnh của Meniere bao gồm gene, nhiễm trùng, chấn thương, cơ học, tự miễn, dị ứng và nguyên nhân mạch máu... Trên cơ sở đó, các phương pháp điều trị hiện nay cũng hướng đến giải quyết các nguyên nhân trên như: dùng thuốc, phẫu thuật, thay đổi chế độ ăn uống, lối sống...
Hiện nay, chưa có chế độ ăn chính thức nào giúp chữa khỏi bệnh tiền đình. Tuy nhiên, chị có thể hạn chế hoặc tăng cường một số loại thực phẩm có liên quan đến sự tích tụ dịch ốc tai để giúp ích cho việc quản lý bệnh Meniere.
Chế độ ăn ít muối: Chế độ ăn ít muối có ích đối với bệnh Meniere, nhất là ở giai đoạn đầu. Việc giảm muối trong chế độ ăn phần nào giúp giảm sự tích tụ dịch, từ đó, giảm các triệu chứng về tiền đình. Lượng muối được khuyến cáo sử dụng là 1-1,5 g một ngày (dưới 1/3 muỗng cà phê).
Uống đủ nước: Nước cần cho tất cả hoạt động bình thường của cơ thể người, không chỉ riêng của hệ tiền đình. Một người lớn trưởng thành cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
Hạn chế caffeine, thức uống có cồn: Sử dụng caffeine có thể gây co thắt mạch máu cung cấp cho hệ thống tiền đình và tai trong, khiến triệu chứng chóng mặt trở nên trầm trọng hơn. Do đó, người bệnh Meniere nên hạn chế dùng caffeine. Tương tự như caffeine, sử dụng rượu, bia cũng có thể khiến bệnh lý tiền đình trở nên trầm trọng hơn.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị rối loạn tiền đình. Chẳng hạn như Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trang bị hệ thống đo chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ (VNG) hiện đại trên thế giới. Người bệnh được đeo một loại kính có gắn camera, ghi lại và phân tích chuyển động nhãn cầu, từ đó thiết bị có thể xác định kiểu rung giật nhãn cầu do nguyên nhân ở tai (rối loạn tiền đình ngoại biên) hay ở não (rối loạn tiền đình trung ương). Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, cá thể hóa, tăng hiệu quả cho từng bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc, thực hiện các bài tập phục hồi chức năng tiền đình, phẫu thuật, thay đổi chế độ ăn - lối sống... Sự thay đổi chế độ ăn được xem là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị đầu tay của bệnh này, nhất là Meniere giai đoạn sớm.
Nếu độc giả thắc mắc về bệnh rối loạn tiền đình và các bệnh lý tai mũi họng có thể đặt câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp.
ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy
Trung tâm Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP HCM