Nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ có tiền sử rối loạn ăn uống tìm tới bác sĩ chuyên khoa do gặp các vấn đề về khả năng sinh sản cao gấp đôi so với những người không mắc. Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng bị rối loạn ăn uống và có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản nhưng ít phổ biến hơn. Các vấn đề về khả năng sinh sản có thể xảy ra giữa thời kỳ rối loạn hoặc phát sinh khi đã chữa khỏi.
Các loại rối loạn ăn uống
Ba chứng rối loạn ăn uống phổ biến nhất là chán ăn tâm thần, chứng cuồng ăn và các rối loạn ăn uống chuyên biệt khác (OSFED). Chán ăn tâm thần là tình trạng mà một người không cho phép bản thân ăn uống bình thường, hạn chế dung nạp calo để giảm cân hoặc duy trì trọng lượng cơ thể thấp hơn mức bình thường. Mức độ nghiêm trọng của chứng biếng ăn này được xác định bởi chỉ số BMI, chỉ số này càng thấp thì chứng biếng ăn càng nặng.
Chứng cuồng ăn (hay còn gọi là Bulimia nervosa) là một rối loạn liên quan đến chứng ăn uống vô độ. Người mắc chứng bệnh này có thể tiêu thụ một lượng thức ăn vô cùng lớn mà không kiểm soát được vấn đề ăn uống của bản thân. Cả nam và nữ giới mắc chứng cuồng ăn có thể bị nhẹ cân hoặc thừa cân.
Trong các loại rối loạn ăn uống, OSFED chiếm 50% về mức độ phổ biến. Chứng chán ăn tâm thần và ăn vô độ có thể là hệ quả của OSFED. Người mắc OSFED có thể có nhiều triệu chứng tương đồng với biếng ăn tâm thần hoặc chứng ăn uống vô độ nhưng không đủ cơ sở để chẩn đoán.
Ảnh hưởng đến sinh sản
Chán ăn, ăn vô độ và OSFED có thể gây ra những thách thức về sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này xảy ra có thể gây tình trạng mất cân bằng tuyến giáp, giảm BMI (thiếu cân), gây ra tình trạng thiếu chất béo. Chất béo (hay còn gọi là mô mỡ) có vai trò sản xuất và tổng hợp các hormone. Quá ít chất béo sẽ không sản xuất đủ hormone estrogen, testosterone. Thiếu hụt estrogen có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý ở nữ và không đủ testosterone có nguy cơ giảm sản xuất tinh trùng và chức năng cương dương.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra ra mối liên hệ giữa chế độ ăn uống của một người (cả với nam và nữ) và nguy cơ mắc các vấn đề về sinh sản. Với người bị rối loạn ăn uống, nhiều khả năng chế độ ăn uống của họ không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ bản. Nếu cơ thể không nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết, tinh trùng và tế bào trứng cũng có nguy cơ kém chất lượng hơn. Cơ thể bạn cũng vì thế mà gặp khó khăn hơn trong việc tổng hợp các hormone cần thiết cho quá trình sinh sản. Từ đó dẫn đến giảm khả năng sinh sản ở cả hai giới.
Ngoài ra, một trong những hệ quả điển hình của chứng rối loạn ăn uống ở phái nữ là vô kinh, ít kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Theo một số nghiên cứu, khoảng 66- 84% phụ nữ mắc chứng chán ăn tâm thần không có kinh nguyệt và 6-11% có chu kỳ kinh không đều. Với phụ nữ mắc chứng cuồng ăn, 7- 40% bị vô kinh và 36- 64% có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Một số nghiên cứu chỉ ra, những người có tiền sử rối loạn ăn uống có nguy cơ khó thụ thai hơn, mất nhiều thời gian hơn để mang thai.
Nữ giới bị mắc chứng vô kinh vùng dưới đồi có thể là kết quả của việc ăn kiêng quá mức, tập thể dục quá mức hoặc mức độ căng thẳng quá cao. Phụ nữ mang thai có tiền sử rối loạn ăn uống có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng và rủi ro cho thai nhi. Họ cũng có thể gặp khó khăn về tâm lý khi mang thai.
Điều trị vô sinh do rối loạn ăn uống
Nữ giới gặp vấn đề về sinh sản do mắc chứng rối loạn ăn uống nên bổ sung nhiều calo hơn, tập thể dục ít hơn và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức khoa học hơn. Nếu khó rụng trứng liên quan đến chứng rối loạn ăn uống, việc tăng cân, ăn uống lành mạnh và tập thể dục vừa đủ có thể giúp quá trình rụng trứng quay trở lại. Sau đó, họ có thể mang thai tự nhiên mà không cần dùng thuốc hỗ trợ sinh sản. Thuốc hỗ trợ sinh sản khuyến cáo không điều trị ở những phụ nữ có chỉ số BMI dưới 18,5. Bác sĩ có thể từ chối kê những loại thuốc này vì sự an toàn của mẹ và thai nhi. Nếu có tiền sử mắc chứng rối loạn ăn uống và chưa có thai sau trong vòng 6 tháng đến 1 năm, hãy đến gặp bác sĩ sản khoa để có chẩn đoán chính xác hơn về khả năng sinh sản.
Bảo Bảo (Theo Very Well Family)