Kết quả nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám cho thấy ráy bịt kín ống tai, tạo thành một lớp dày đặc từ cửa tai tới sát màng nhĩ. ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, sử dụng dụng cụ chuyên dụng gắp ra từng mảng ráy, tổng kích thước hơn 15 cm, tránh tổn thương màng nhĩ.
Ngày 17/1, bác sĩ Hằng cho biết anh Nguyên bị viêm ống tai bội nhiễm nấm. Đây là tình trạng nhiễm trùng ống tai ngoài gây ra bởi vi khuẩn, vi nấm, triệu chứng nặng hơn so với viêm do một tác nhân gây ra. Dùng chung dụng cụ lấy ráy tai làm tăng nguy cơ lây nhiễm nấm.
Bác sĩ vệ sinh tai, kê thuốc nhỏ và hướng dẫn anh vệ sinh đúng cách, tránh nhiễm nấm tái phát. Tái khám sau hai tuần, tai hết tích tụ ráy, không còn ngứa hay khó chịu.
Biểu hiện lâm sàng của viêm ống tai nhiễm nấm đa dạng hoặc có thể không biểu hiện triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ qua nội soi. Một số người có thể xuất hiện nút ráy tai, ngứa, chảy dịch, đau, giảm thính lực. Ngoài dùng chung đồ lấy ráy tai, người thường xuyên bơi lội ở nơi không sạch sẽ, không sử dụng nút bịt tai cũng dễ bị nấm tai. Môi trường ẩm ướt là cơ hội tốt để nấm sinh sôi và phát triển.
Theo bác sĩ Hằng, bệnh hiếm khi tự khỏi. Do đó, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Phác đồ điều trị thường là vệ sinh tai kết hợp dùng thuốc nhỏ kháng nấm. Bệnh không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng xương chũm và xương thái dương, cần phẫu thuật. Người có ráy tai nhiều gây khó chịu nên đến bác sĩ Tai Mũi Họng kiểm tra, tránh tự ý dùng dụng cụ sắc nhọn hoặc không đảm bảo vệ sinh để loại bỏ.
Uyên Trinh
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |