Dân gian ta có câu "Tầm sư học đạo", ý nói "tìm thầy để học". Ở đây là tìm thầy giỏi để theo, tìm thầy phù hợp với mình để học. Cũng có câu "Không thầy đố mày làm nên" để thể hiện vai trò to lớn của người thầy.
Nếu con chúng ta có năng khiếu về cờ tướng, yêu thích cờ tướng, tự học qua sách và video trên mạng thì con phải tự lập lịch học, tự lên giáo trình cho mình, kiên trì thực hiện... Nhưng vì con là người mới học nên sẽ không nắm được tổng quan toàn bộ kiến thức. Cũng không đủ giỏi để có thể lên được một khung chương trình phù hợp với năng lực của mình. Nên khả năng con có thể đạt được thứ hạng cao trong các giải thi đấu là rất hiếm.
Nếu con tìm được huấn luyện viên từng nhiều lần đạt huy chương vàng cờ thế giới để học; thì con sẽ có thể đạt được thành công nhanh hơn. Thậm chí, khi tự học, con có thể bị lầm tưởng sự yêu thích với thế mạnh thực sự của mình. Sau thời gian luyện tập, các con mới phát hiện ra đây không phải thế mạnh thực sự của mình. Khi đó, con sẽ mất nhiều thời gian để chuyển sang lĩnh vực khác.
Một thầy giáo giỏi cũng phải trải qua nhiều năm luyện tập, trải nghiệm, đúc kết. Ngoài học kiến thức trong sách, thầy giáo còn chỉ cho các con con đường đi đúng để tránh các sai lầm mà thầy từng mắc phải, từ đó giúp các con đi được nhanh hơn.
Tôi có quen một thầy giáo dạy Toán, thầy nổi tiếng vì luyện các em học sinh lớp 6 một năm mà có thể giải được đề thi đại học (trên các báo chí có nhiều bài viết về thầy). Thầy nói: "Các dạng Toán có tất cả 100 loại bài, cứ học đủ 100 loại bài Toán này là có thể giải được các đề thi". Nếu chúng ta không được thầy dạy, mà chỉ mày mò tự học thì phải bao nhiêu năm mới tổng hợp được 100 dạng bài toán này?
Ngày trước, khi học Hóa cấp ba, thầy giáo của tôi chỉ toàn chép đề lên bảng, yêu cầu học sinh tự làm, sau đó thầy hướng dẫn giải. Một hôm, tôi vô tình tham gia một lớp học thêm của một cô giáo khác. Cô nói: "Tất cả các bài Hóa hữu cơ cấp ba chỉ có tám cách giải, cách nhận biết từng loại bài. Nếu các em không nhận biết được dạng bài thì có thể áp dụng tuần tự từ cách một đến cách tám. Bài nào cũng giải được. Một bài có thể có nhiều cách giải khác nhau, tùy các em thích sử dụng cách nào cũng được". Sau một buổi học hôm đó, tôi đã thấy việc giải Hóa hữu cơ không còn khó như trước. Việc còn lại của tôi là học các phương trình Hóa học cho đúng.
>> 'Luẩn quẩn cấm dạy thêm trên giấy'
Ngày nay, chúng ta đang bàn luận về việc có nên học thêm không? Tôi xin đưa ra các ưu và nhược điểm của việc cấm học thêm để chúng ta nhìn nhận một cách khách quan:
Về ưu điểm, cấm học thêm sẽ giúp giảm áp lực học hành cho các con; thầy cô dạy không thể ép học sinh đi học thêm của mình hay trù dập các em không tham gia lớp học thêm; đỡ chi phí cho phụ huynh.
Về nhược điểm, nếu thầy cô bộ môn dạy ở lớp không đủ giỏi, kỹ năng sư phạm không tốt, thì học sinh sẽ thiệt thòi vì không được học giáo viên giỏi; thầy cô không có động lực trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng của bản thân; thu nhập của giáo viên cào bằng, người giỏi cũng như người kém; thầy cô giáo phải sống bằng lương (5-7 triệu đồng một tháng), không thể tập trung hết trí tuệ và tâm huyết cho giảng dạy; học sinh giỏi không được phát triển tối đa năng lực của mình...
Vậy giải pháp ở đây là gì? Theo tôi, thay vì cấm dạy thêm, học thêm một cách cứng nhắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế các mặt tiêu cực như:
Thứ nhất, nâng cao đạo đức thầy cô giáo trong lĩnh vực giáo dục: không được ép học sinh học thêm, không trù dập khi các con không tham gia lớp học thêm của mình.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh: điểm thi tốt nghiệp và đại học quan trọng hơn điểm học bạ trên lớp. Kiến thức con tiếp thu được quan trọng hơn điểm số.
Thứ ba, xây dựng hệ thống nhận kết quả đánh giá của học sinh, sinh viên về thầy cô giáo của lớp mình trong năm và cuối mỗi năm học. Dựa trên việc đánh giá của học sinh do hệ thống tự động lọc làm căn cứ kiểm tra chất lượng giáo viên. Khi có một tổ chức cấp cao giám sát, các thầy cô sẽ phải đảm bảo chất lượng đào tạo trên lớp, hạn chế ép học sinh học thêm, giảm tiêu cực trong hoạt động dạy thêm.
Xét về quy luật thị trường, có cầu ắt có cung. Nhu cầu học thêm là thực tế. Dù có bị cấm thì hoạt động này vẫn đang âm thầm diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau ở hầu hết các địa phương, tạo ra những hệ lụy còn lớn hơn nhiều. Việc chúng ta nên làm là các biện pháp quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm để chúng không bị biến tướng, tiêu cực.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.