Nhiều người cho rằng tình trạng dạy thêm tràn lan hiện nay bắt nguồn từ thái độ thiếu trách nhiệm của giáo viên. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó còn xuất phát chủ yếu từ bản thân học sinh và phụ huynh. Học sinh dễ bị lơ là sau giờ học chính khóa, nên đôi khi các em cũng muốn có người kèm cặp ngoài, định hướng học tập ngoài thời gian học trên lớp. Trong khi đó, phụ huynh lại muốn con em mình đạt được thành tích cao, chạy theo điểm số. Chính việc này đã tạo điều kiện cho việc học thêm trở nên nở rộ.
Thực tế, đại đa số các em học sinh đều không mặn mà hay hứng thú với việc học thêm tối ngày. Ở đây, tôi không đề cập đến khía cạnh giáo viên kiếm cớ mở lớp dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Bản thân tôi luôn luôn trân trọng những đóng góp, kiến thức mà thầy cô đã truyền tải cho các thể hệ học trò, dù là ở lớp chính khóa hay các lớp học thêm.
Nếu phụ huynh để con em mình tự học, dừng việc chạy đua điểm số, thì ngoài giờ học chính khóa, các em có thể chủ động sắp xếp được thời gian tự học, thư giãn và tham gia nhiều hoạt động bổ ích khác để rèn luyện các kỹ năng cho bản thân. Thông qua đó, ngoài việc giúp các em phát triển tri thức, các em còn có thêm các kỹ năng cần thiết khác, toàn diện, như khả năng tự lập, sắp xếp thời gian hoặc kỹ năng giao tiếp, nếu ở trường tổ chức các câu lạc bộ hay các khóa kỹ năng mềm.
Thậm chí, các em có thể học thêm các bằng cấp khác như bằng Toeic, Ielts... Đó sẽ là lợi thế cho các em trong cả thời điểm hiện tại và tương lai sau này. Với một số em có niềm đam mê hay năng khiếu đặc biệt, cũng sẽ được bồi dưỡng và phát huy sau thời gian học chính khóa. Việc để các em tự chủ thời gian sau giờ học chính khóa này sẽ là tiền đề quan trọng cho các em khi bước vào giảng đường đại học và ra đi làm.
>> 'Việt Nam nên cấm triệt để dạy thêm'
Bản thân tôi cũng từng là học sinh cấp hai, cấp ba, bị bắt buộc tham gia các lớp học thêm chéo buổi do nhà trường tổ chức, hay còn gọi là học phụ đạo. Thời đó, học sinh nào không đi học sẽ bị kiểm điểm nặng, thậm chí là chuyển lớp. Vì thế mà ngoài giờ học chính khóa, chúng tôi phải đi học thêm đến tận 22 giờ mới về đến nhà. Tất nhiên, xét về góc độ chuyên môn, việc học nhiều sẽ giúp học sinh nâng cao được kiến thức. Tuy nhiên, tôi và đại đa số bạn học của mình không thấy được hiệu quả của việc này ngoài những áp lực, mệt mỏi.
Chúng tôi phải quay cuồng với việc học xuyên ngày đêm như vậy trong suốt quãng thời gian phổ thông. Sau này, khi bước vào giảng đường đại học, chuyện học thêm ấy chẳng mang lại điều gì có giá trị cho người học. Việc quan trọng và mang lại lợi thế nhất cho một tân sinh viên mới bước chân vào cánh cổng đại học thực ra là việc tự học và khả năng sắp xếp thời gian - thứ mà trước đây chúng tôi thường không được người lớn định hướng đến.
Lên đại học, không có việc đi học thêm để đạt điểm cao. Đôi khi cũng có một vài lớp bên ngoài để dạy qua môn hay giúp sinh viên chinh phục các điểm cao, nhưng đó chỉ là một số lượng rất ít, không phải phổ biến. Còn nhìn chung, những bạn ít đi học thêm, rèn luyện kỹ năng tự học từ sớm lại có thể bắt nhịp với bậc đại học tốt hơn những người học thêm tối ngày như chúng tôi.
Suy cho cùng, tôi nghĩ rằng, các ông bố, bà mẹ nên có cái nhìn thoáng hơn về việc phải chạy đua điểm số. Thay vì cứ chạy theo số đông, bắt con mình phải đi học thêm trở nên ưu tú, vượt trội, tại sao chúng ta không luyện cho con em mình thói quen tự học - thứ sẽ đem lại hiệu quả thực chất và có giá trị hơn nhiều cho chúng ở những bậc học cao hơn, cũng như tương lai sau này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.