Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết "Dạy thêm chính đáng" về cả hai góc độ giáo viên dạy thêm và học sinh học thêm. Thực ra, là một phụ huynh, tôi không muốn con mình phải đi học thêm quá nhiều, theo kiểu sáng - chiều học chính trên lớp, rồi tối lại chạy thêm vài ca bên ngoài. Bởi như thế đồng nghĩa với việc con tôi sẽ học tập một cách thụ động, không có khả năng tự đọc, tự nghiên cứu. Nó cũng kéo theo vấn đề tiêu cực ở phía sau như: trên lớp thầy cô giảng không tận tình, xem lớp học chính là phụ, học thêm là chính. Như thế, không hề tốt cho con tôi và cả nền giáo dục.
Tuy vậy, tôi vẫn khuyến khích con rằng: "Nếu cảm thấy cần học thêm môn gì thì tìm hiểu và lựa chọn giáo viên để xin được học". Có điều, nhất quyết không phải với lý do "vì cô ấy dạy chính trên lớp nên phải đi học thêm". Nếu giáo viên thật sự có tâm và không dùng "tiểu xảo" để buộc học sinh phải đi học thêm thì việc dạy, học thêm vẫn là một nhu cầu chính đáng, không có gì đáng phải lên án cả.
Bản thân tôi ngày xưa cũng đi học thêm, nhưng thông thường là do tự tìm "thầy, cô nào dạy hay" mới đến học thử một buổi, nếu thích tôi chính thức theo học. Còn lại, tôi dành thời gian tự học, tự đọc sách nhiều hơn. Thầy cô dạy chính của tôi lúc đó cũng có người không hài lòng với tôi. Thầy cô cảm thấy tự ái vì dạy chính nhưng tôi lại đi học với thầy cô khác bên ngoài. Và thông thường, họ không bỏ qua bất cứ lỗi nhỏ nào của tôi để trừ điểm mỗi khi thi cử. Lúc đó, trong lòng tôi cũng có chút gợn. Tuy nhiên, sau này, tôi phải cảm ơn các thầy cô này vì nhờ có sự "nghiêm khắc" hơn các bạn khác ấy mà hình thành cho tôi thói quen cẩn thận khi làm bài.
>> Con không phải 'còng lưng' học thêm nếu cha mẹ biết đủ
Nói chung, mỗi nhà sẽ có một cách dạy con khác nhau, phụ thuộc vào quan điểm, trình độ, mục tiêu của mỗi người. Ví dụ, gia đình tôi có ông bà, cha mẹ đều là giáo viên, nhưng từ thuở nhỏ, chưa một lần bố mẹ phải ngồi học bài cùng tôi. Cha luôn nói: "Học là việc của các con, nên phải chủ động".
Khi làm bài, có chỗ nào đó không hiểu, tôi có thể ra hỏi bố mẹ. Khi đó, họ thường hỏi lại rằng: "Con đã suy nghĩ chưa?", bắt tôi phân tích về bài đó, hiểu thế nào, chỗ nào còn vướng mắc...? Sau đó, họ giảng giải những vướng mắc và để chúng tôi tự hoàn thành. Lần sau, gặp một bài tương tự mà vẫn phải hỏi, bố mẹ sẽ không trả lời mà yêu cầu tôi tự học lại bài cũ.
Tôi cho rằng, việc cha mẹ phải kèm con học bài mỗi ngày là phi giáo dục. Bởi lẽ, không những bạn không có kỹ năng sư phạm để dạy con, mà việc học cùng con mỗi ngày còn góp phần khiến chúng trở thành những người thụ động. Khi kèm con học, gặp một bài khó, con chưa kịp suy nghĩ mà bạn đã chạy trước giảng giải hộ là làm hại con. Sau này, khi không có bạn kèm thì hẳn con bạn cũng không thể nghiêm túc mà ngồi học bài được.
Tất nhiên, bố mẹ không bao giờ nằm xem TV trong lúc chúng tôi còn phải học bài. Cha mẹ thường đọc sách, soạn giáo án hay làm một công việc gì đó. Việc học thêm cũng do chúng tôi tự quyết. Ai cảm thấy yếu môn nào, muốn đi học thêm với ai thì báo với bố mẹ. Nhờ đó, chúng tôi cũng không có chuyện phải học thêm hai, ba thầy cô một môn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.