Bác sĩ chuyên khoa I, Phan Huỳnh Tiến Đạt (Trung tâm Tiết niệu, thận học BVĐK Tâm Anh, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trước kia phương pháp tán sỏi thường là mổ mở. Bác sĩ tiết niệu sẽ mổ đường dài ở hông lưng, xẻ thận để lấy viên sỏi, sau đó khâu thận, đóng vết mổ lại. Người bệnh mất nhiều thời gian chờ vết thương lành.
Hiện nay, phương pháp này chỉ còn được áp dụng với sỏi san hô phức tạp, sỏi kích thước lớn (40-50mm) và sỏi có nhiễm trùng nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đối với những trường hợp còn lại thì những cách tán sỏi hiện đại như tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống mềm, nội soi tán sỏi thận qua da... có thể áp dụng và cho hiệu quả cao.
Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống mềm
Phương pháp này được áp dụng với người bệnh có những viên sỏi kích thước 10-20 mm, kết cấu quá cứng, mật độ sỏi cao.
Sỏi được tán thành từng mảnh nhỏ bằng sóng laser. Sau kiểm tra, nếu sỏi đã được lấy sạch, bác sĩ rút ống soi mềm, đặt thông niệu quản ngược dòng và hoàn tất quá trình phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp này là quá trình chăm sóc phẫu thuật nhẹ nhàng, hạn chế những vấn đề như nhiễm trùng, đau đớn; tỷ lệ sạch sỏi cao, ít bị sót sỏi, bảo tồn tối đa chức năng thận và không để lại sẹo nên đảm bảo tính thẩm mỹ...
Nội soi tán sỏi thận qua da
Đối với những viên sỏi từ 20 mm trở lên, người bệnh nên thực hiện tán sỏi qua da. Đây là kỹ thuật mới được áp dụng tại các nước phát triển hiện nay.
Trong quá trình thực hiện, các bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh trên màn hình, xác định vị trí sỏi và tạo đường hầm vào đến thận. Ống soi sau đó sẽ tiếp cận các viên sỏi và tán vụn bằng năng lượng laser. Khi sỏi đã vỡ vụn, các mảnh sỏi nhỏ sẽ được hút toàn bộ ra bên ngoài.
Phương pháp này hạn chế tối đa nguy cơ tái phát sỏi và xâm lấn, áp dụng được cho mọi vị trí, mọi kích thước sỏi chỉ bằng một vết rạch rất nhỏ (đường kính 0,5 cm) ở vùng lưng để tạo một đường hầm vào đến thận. Phương pháp mang đến nhiều lợi ích người bệnh, đặc biệt là nữ giới, có tính thẩm mỹ cao, không lo bị sẹo, phục hồi nhanh chóng.
Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi cứng
Là phương pháp sử dụng ống soi nhỏ và cứng để đưa các dụng cụ vào bên trong khu vực cần thực hiện tán sỏi từ niệu đạo qua bàng quang lên niệu quản. Nội soi ống cứng giúp điều trị sỏi niệu quản ở nhiều vị trí khác nhau, hiệu quả cao nhất với sỏi ở vị trí 1/3 giữa và dưới, với tỷ lệ thành công hơn 90%.
Ưu điểm của phương pháp này là ống soi có thể đi lên đến niệu quản đoạn lưng, thậm chí bể thận; kênh thao tác rộng, nước lưu thông tốt và thị trường quan sát rõ. Phương pháp này chống chỉ định với bệnh nhân có vấn đề về ngoại khoa.
Theo bác sĩ Tiến Đạt, khi phát hiện có sỏi qua thăm khám, siêu âm ổ bụng... người bệnh nên đi khám với bác sĩ tiết niệu thận học để được tư vấn cách điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện phương pháp tán sỏi tương ứng sao cho đảm bảo sạch sỏi và an toàn cho người bệnh. Những phương pháp tán sỏi trên giúp rút ngắn thời gian nằm viện của người bệnh xuống còn 2-3 ngày. Người bệnh có thể trở lại công việc, sinh hoạt bình thường.
Sau phẫu thuật tán sỏi người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc kháng sinh, giảm đau theo đúng chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn; vận động phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ; tuân thủ lịch hẹn tái khám.
Cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa khi có các triệu chứng bất thường như: tiểu máu, khó tiểu, nước tiểu ít, ớn lạnh, sốt cao, buồn nôn, nôn.... Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, giàu rau xanh, trái cây; giảm thực phẩm giàu muối và chất đạm có nguồn gốc động vật; uống nhiều nước, khoảng 8-10 ly (300ml mỗi ly) /ngày để tránh tái hình thành sỏi do tỷ lệ hình thành sỏi ở người từng bị sỏi đường tiết niệu thường cao hơn.
Chang Chang