Hầu hết phụ nữ đều biết rằng uống rượu có thể gây nguy hiểm cho thai nhi trước khi họ biết mình đang mang thai. Thực tế, không có mức an toàn nào được đưa ra về lượng rượu uống trong khi mang thai. Điều mà nhiều phụ nữ có thể không biết là uống rượu ở mức vừa phải vào giữa và nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể làm giảm khả năng thụ thai thành công.
Theo một nghiên cứu mới về các kiểu uống rượu và mức độ hormone ở các giai đoạn khác nhau trong tháng, uống rượu mức vừa phải (3-6 ly mỗi tuần) và uống nhiều (hơn 6 ly mỗi tuần) trong giai đoạn sau rụng trứng của chu kỳ kinh nguyệt có thể gây xáo trộn trình tự nội tiết tố nhạy cảm cần thiết để thụ thai. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng uống nhiều rượu vào đầu chu kỳ của phụ nữ, trong thời kỳ rụng trứng, có thể làm gián đoạn quá trình thụ thai.
"Thông điệp mang lại từ nghiên cứu của chúng tôi là nếu bạn muốn mang thai, không nên uống nhiều hơn một ly mỗi ngày vào bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt và uống chưa đến nửa ly trong thời kỳ rụng trứng và sau khi rụng trứng", Tiến sĩ Kira C. Taylor, phó giáo sư về dịch tễ học và sức khỏe dân số tại Đại học Louisville ở Kentucky, Mỹ, cho biết.
"Tác động của rượu đối với khả năng thụ thai đã được nghi ngờ từ những năm 1990 nhưng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng", Nishath A. Ali, MD, phó giáo sư sản phụ khoa tại Đại học Y Baylor ở Houston, Mỹ, cho biết thêm. "Những người uống rượu vừa và nặng thường mất nhiều thời gian hơn để thụ thai và có nguy cơ cao cần đánh giá vô sinh".
Hiện tại, những phụ nữ đang điều trị khả năng sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm được khuyên nên cắt giảm việc uống rượu.
Nghiên cứu trên bắt đầu vào năm 2017, xem xét mối tương quan giữa rượu và khả năng mang thai trong một chu kỳ kinh nguyệt. Các chuyên gia đã phân tích dữ liệu từ 413 phụ nữ, tuổi từ 19 đến 41. Họ ghi chép hàng ngày về số lượng và loại rượu mình uống trong tối đa 19 tháng theo dõi. Những người tham gia chủ yếu là người da trắng, không phải gốc Tây Ban Nha và đã kết hôn.
Những người tham gia nghiên cứu cũng gửi mẫu nước tiểu hàng tháng để đánh giá tình trạng mang thai và các giai đoạn trong chu kỳ hàng tháng của họ được tính toán bằng phương pháp dựa trên lịch và so sánh giữa những người uống rượu và không uống rượu.
Trong quá trình nghiên cứu, 133 phụ nữ đã mang thai và kết quả cho thấy phụ nữ uống càng nhiều rượu thì cơ hội thụ thai càng ít.
"Ở những người nghiện rượu nặng, xác suất thụ thai là 27,2%, tăng lên 41,3% ở những người không uống rượu. Những người uống rượu nhẹ và vừa phải có khoảng 32% cơ hội thụ thai", ông Taylor cho biết.
Khi các nhà nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của việc uống rượu trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt, họ phát hiện ra rằng uống rượu mức độ vừa và nhiều trong giai đoạn sau rụng trứng làm giảm tỷ lệ thụ thai gần một nửa (tương ứng là 44% và 49%), so với những người không uống rượu. Cũng có một số ý kiến cho rằng việc uống nhiều rượu trước khi rụng trứng cũng làm giảm khả năng thụ thai.
Đáng chú ý, uống quá nhiều rượu trong một thời gian ngắn có thể làm giảm 19% khả năng thụ thai trong khoảng thời gian rụng trứng và giữa thời kỳ rụng trứng và có kinh nguyệt. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng kết quả không thay đổi với mọi loại đồ uống có cồn.
Christine Metz, Tiến sĩ, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Y tế ở Manhasset, New York, cho biết: "Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy độ dài chu kỳ kinh nguyệt là như nhau đối với phụ nữ ở mọi loại đồ uống, cho thấy rằng việc uống rượu không ảnh hưởng đến các hormone điều chỉnh độ dài của chu kỳ.
Các tác giả cho rằng một phần mối liên hệ giữa việc thụ thai với rượu có thể là do những rối loạn trong hormone steroid, đặc biệt là sự gia tăng estradiol, một dạng của estrogen. "Sự gia tăng estrogen có thể dẫn đến chu kỳ không đều, chậm rụng trứng hoặc không rụng trứng. Sự gia tăng estrogen cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian tạo cơ hội trong niêm mạc tử cung để làm tổ sau khi thụ tinh", Tiến sĩ Taylor cho hay.
Nam giới cũng không ngoại lệ, bởi tinh hoàn của họ cũng có thể bị ảnh hưởng khi uống rượu.
"Uống nhiều rượu có liên quan đến những bất thường trong chức năng tuyến sinh dục ở nam giới, bao gồm giảm testosterone và giảm số lượng tinh trùng", ông Ali nói. "Sự thay đổi về lối sống rất quan trọng đối với cả hai thành viên vợ chồng đang lên kế hoạch mang thai".
Anh Ngọc (Theo WebMD)