Từ lúc chào đời đến tuổi dậy thì
Mỗi bé gái được sinh ra với một lượng trứng nhất định và trong suốt cuộc đời sẽ không có thêm trứng mới được tạo ra. Lúc này, trứng chưa trưởng thành, được gọi là tế bào trứng. Tế bào trứng nằm trong các nang (túi chứa đầy chất lỏng) trong buồng trứng. Khi lớn lên, chúng trở thành noãn bào và phát triển thành một noãn hay gọi là trứng trưởng thành.
Khi còn là bào thai trong giai đoạn phát triển ban đầu, buồng trứng một bé gái có khoảng 6 triệu quả trứng. Số lượng giảm dần đến khi đứa trẻ được sinh ra, chúng còn lại 1-2 triệu quả trứng.
Chu kỳ kinh nguyệt chỉ bắt đầu ở các bé gái vào tuổi dậy thì, khoảng hai năm sau khi mô vú xuất hiện. Khi đó, vùng dưới đồi trong não bắt đầu sản xuất hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). GnRH kích thích tuyến yên sản xuất hormone kích thích nang trứng (FSH). FSH bắt đầu quá trình phát triển trứng và khiến nồng độ estrogen tăng cao. Độ tuổi trung bình có kinh nguyệt là khoảng 12 tuổi, nhưng một số bé gái có thể bắt đầu sớm hơn từ 8 tuổi.
Khi dậy thì, mỗi bé gái chỉ còn khoảng 300.000-400.000 trứng. Sự sụt giảm này là do hơn 10.000 trứng chết mỗi tháng trước tuổi dậy thì.
Khi các nang trứng trưởng thành, chúng trở nên nhạy cảm với các hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Hàng tháng, cơ thể chọn một nhóm trứng trưởng thành để giải phóng, nhưng cuối cùng chỉ một quả trứng rụng, tượng trưng cho cơ hội thụ thai duy nhất của nữ giới mỗi tháng. Một số trường hợp ngoại lệ có nhiều hơn một quả trứng rụng xuống dẫn đến sinh đôi.
Tất cả quả trứng còn lại trong nhóm của chu kỳ đó đều bị teo và chết đi. Điều này xảy ra hàng tháng và tiếp tục cho đến khi phụ nữ mãn kinh, không còn trứng.
Số lượng trứng chết mỗi tháng giảm sau tuổi dậy thì. Theo bác sĩ về vô sinh Sherman Silber tại Mỹ, một phụ nữ mất khoảng 1.000 quả trứng non mỗi tháng sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Các dữ liệu nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ tình trạng sức khỏe và thực phẩm có ảnh hưởng đến chất lượng hoặc số lượng tế bào trứng hay không. Theo nghiên cứu năm 2018 của Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ, hút thuốc và một số phương pháp hóa xạ trị có thể làm tăng tốc độ rụng trứng.
Từ 30 tuổi trở lên
Theo Đại học Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), khi nữ giới bước sang tuổi 30, khả năng sinh sản bắt đầu giảm nhanh. Ở tuổi 40, nguồn trứng chỉ còn chưa đầy 10% so với trước khi sinh ra. Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ tiền mãn kinh trên 40 tuổi còn chưa đến 5% cơ hội mang thai trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
Khi hết nguồn cung cấp trứng, buồng trứng ngừng sản xuất đủ estrogen và phụ nữ sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh. Thời điểm chính xác mãn kinh phụ thuộc vào số lượng trứng mà mỗi người có khi sinh ra và tốc độ rụng trứng. Độ tuổi mãn kinh trung bình, khi chu kỳ kinh nguyệt dừng lại là 51 tuổi. Ở một số phụ nữ, thời kỳ mãn kinh có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn.
Theo dữ liệu năm từ Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), năm 37 tuổi phụ nữ chỉ còn 25.000 trứng trong buồng trứng thì họ sẽ mãn kinh vào khoảng 15 năm sau đó. Khi đó, họ còn ít hơn 100 quả trứng.
Yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng trứng là tuổi tác. Khi phụ nữ già đi, cả số lượng và chất lượng trứng đều giảm. Ngay trước khi rụng mỗi tháng, trứng bắt đầu phân chia. Những quả trứng cũ dễ mắc lỗi hơn trong quá trình phân chia này, khiến chúng có nhiều khả năng chứa các nhiễm sắc thể bất thường. Khi trứng và tinh trùng kết hợp để tạo thành phôi, nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể hoặc bất thường về di truyền sẽ cao hơn. Đây là lý do tại sao phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ cao sinh con bị dị tật.
Nếu chào đời với số lượng trứng lớn, phụ nữ vẫn có khả năng sinh con tự nhiên ở độ tuổi giữa 40 hoặc thậm chí cuối 40. Những người ở độ tuổi 30 nhưng có tốc độ rụng trứng nhanh hơn do một số yếu tố rủi ro nhất định có thể bị mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng sớm.
Nếu lo ngại về dự trữ buồng trứng hoặc chất lượng trứng, phụ nữ nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra và đánh giá các yếu tố nguy cơ, tư vấn phương pháp điều trị. Trường hợp dự định sinh con muộn, bạn có thể cân nhắc đông lạnh trứng. Trữ trứng càng sớm, tốt nhất trước 35 tuổi, chất lượng trứng càng cao, số lượng thu được càng nhiều, từ đó cơ hội sinh con cũng cao hơn.
Anh Ngọc (Theo Healthline)