Cách phòng ngừa ung thư
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết , cho biết, nguồn gốc của quá trình phát sinh khối u là từ các đột biến gen. Có hai loại đột biến thường gặp là đột biến gen di truyền (đột biến dòng mầm) và đột biến gen mắc phải (đột biến soma). Thừa hưởng đột biến gen ung thư di truyền từ bố hoặc mẹ là yếu tố không thể thay đổi được. Song, đột biến gen mắc phải đa phần xuất phát do cơ thể tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư từ môi trường, lối sống nên có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế và kiểm soát các yếu tố nguy cơ này.
Tránh tiếp xúc với các yếu tố như hóa chất độc hại, tia bức xạ, ánh nắng mặt trời trong thời gian dài... có thể giảm nguy cơ mắc ung thư da. Nói không với thuốc lá, uống rượu bia ở mức độ phù hợp cũng giúp phòng tránh ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày...
Bên cạnh đó, mọi người nên có lối sống lành mạnh. Cùng với tập thể dục thể thao, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Chúng ta cần cân đối 8 nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm tinh bột (gạo, bột mì); nhóm sữa và các chế phẩm từ sữa; nhóm dầu ăn và mỡ các loại; nhóm thịt, cá và hải sản; nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng; nhóm các loại hạt; nhóm rau củ vàng, da cam, rau xanh thẫm; nhóm rau củ quả khác. Cá rất có lợi cho sức khỏe nên ăn ít nhất 2-3 lần mỗi tuần. Mỗi ngày người trưởng thành cần ăn nhiều chất xơ, khoảng 400 gram rau củ, 100-200 gram trái cây.
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, mỡ động vật, các loại thịt đỏ.
Theo bác sĩ Khiêm, những người có các bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc ung thư, ví dụ như viêm gan virus, xơ gan, polyp đại trực tràng, viêm teo dạ dày... cần đi khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ chuyên khoa. Với loại ung thư đã có vaccine phòng ngừa như ung thư cổ tử cung thì phụ nữ nên tiêm phòng. Nam, nữ được khuyến cáo có đời sống tình dục lành mạnh để hạn chế bệnh ung thư.
Mọi người nên giữ cho bản thân sự thư thái, hạn chế những căng thẳng trong công việc, cuộc sống. Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 3 lần mỗi tuần cũng có tác dụng tích cực trong việc phòng tránh nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư.
Luôn lắng nghe sự thay đổi bất thường của cơ thể để có thể phát hiện bệnh và thăm khám sớm. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phòng bệnh ung thư bằng cách nhớ một số dấu hiệu sau:
- Thay đổi thói quen đại tiểu tiện, ví dụ tiểu nhiều lần, tiểu máu, rối loạn phân như tiêu chảy kèm táo bón xen kẽ, phân có nhầy máu...
- Vết loét lâu lành hoặc đau nhức mạn tính, dai dẳng không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường từ mũi, miệng, đường tiêu hóa, sinh dục hay tiết niệu.
- U cục bất thường ở vú hay bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
- Khó tiêu hoặc khó nuốt.
- Thay đổi rõ ràng ở mụn cơm hoặc nốt ruồi: kích thước, màu sắc, hình dạng, độ dày...
- Ho dai dẳng hoặc khàn giọng.
Triệu chứng mắc bệnh thay đổi phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan phát sinh. Tuy nhiên, phần lớn bệnh lý ác tính này đều tiến triển âm thầm. Người bệnh thường đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị rất khó khăn và kém hiệu quả. Tầm soát ung thư là một trong những cách giúp phát hiện sớm các sang thương tiền ung thư hoặc ung thư để có kế hoạch theo dõi và hướng điều trị kịp thời, tăng hiệu quả, giảm chi phí và giảm tỷ lệ tử vong.
Độ tuổi nên tầm soát ung thư
Nên bắt đầu tầm soát ung thư từ những người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng bệnh, đặc biệt trên nhóm đối tượng nguy cơ cao như có tiền sử gia đình mắc ung thư di truyền, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, bệnh nền nguy cơ cao hoặc liên quan đến nhóm tuổi nhất định.
Bác sĩ Khiêm cho biết, tùy từng loại ung thư mà độ tuổi tầm soát có thể khác nhau. Ví dụ độ tuổi nên tầm soát ung thư dạ dày từ 45 tuổi, ung thư vú vào khoảng 40 tuổi, ung thư cổ tử cung từ 21 tuổi.
Những người có yếu tố nguy cơ cao như có ba mẹ, anh, chị, em - người thân cận bậc một, mắc các bệnh lý ung thư thì được khuyến cáo tầm soát ung thư sớm hơn. Nếu độ tuổi mắc bệnh ung thư của người thân trẻ, ví dụ ung thư đường tiêu hóa dưới 40-50 tuổi thì bác sĩ khuyến cáo những người thân trong gia đình nên tầm soát trước độ tuổi người mắc bệnh ung thư ít nhất 10 năm.
Một số bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú, ung thư dạ dày... đã được đưa vào chiến lược tầm soát ung thư ở một số quốc gia. Việt Nam thường tổ chức ngày hội phòng chống ung thư vú vào ngày 20/10 hàng năm với nhiều hoạt động thiết thực. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, ung thư dạ dày cũng được đưa vào chương trình tầm soát ung thư quốc gia cho những người ở độ tuổi từ 40 đến 50. Các phương pháp tầm soát ung thư hiện nay như thăm khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm... Trường hợp nghi ngờ có thể tiến hành chụp CT, chụp MRI và nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác. Tùy theo kết quả tầm soát lần đầu, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch thăm khám định kỳ dài hạn giúp bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bác sĩ Khiêm cũng khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến một năm để theo dõi sức khỏe. Hiện nay, ung thư ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Do đó, không chỉ người trung niên, cao tuổi mà cả những người trẻ cũng nên chú ý đến sức khỏe bản thân đề phòng căn bệnh nguy hiểm này.
Ngọc An