Vừa qua, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân Ngô Minh Quân bị nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, cấp cứu trong tình trạng đau ngực, chỉ số sinh hóa máu không tốt, chức năng co bóp của cơ tim còn 30%. Người bệnh khó thở, không thể nằm thở, mồ hôi vã như tắm, da lạnh.
Kết quả chụp mạch vành ở một bệnh viện tuyến trước cho thấy đây là một tổn thương phức tạp với tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, mạch máu vôi hóa và xoắn vặn. Sức khỏe người bệnh suy yếu do tuổi cao và bệnh đã lâu, thông số huyết áp không ổn định, chức năng tim suy giảm nặng. Người bệnh đối diện với nguy cơ tử vong cao. Để cấp cứu kịp thời, êkip hồi sức đã quyết định hỗ trợ huyết động một cách chủ động. Các chuyên gia áp dụng kỹ thuật mới, đặt bóng đối xung động mạch chủ, hỗ trợ giúp nâng huyết áp bệnh nhân lên mức an toàn, đủ điều kiện trải qua quá trình can thiệp khó khăn.
ThS. Nguyễn Tuấn Long - khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải thích bóng đối xung động mạch chủ - IABP (Intra Aortic Balloon Counterpulsation) là một thiết bị dùng để hỗ trợ tuần hoàn. Bóng được đưa qua đường động mạch đùi vào động mạch chủ. Kỹ thuật giúp tim đang trong tình trạng bơm kém có thể bơm máu dễ hơn, cải thiện tưới máu mạch vành, tăng cung lượng tim, đồng thời giảm hậu gánh, giảm công cơ tim. Trong quá trình can thiệp, bệnh nhân tụt huyết áp rất sâu (60/40), êkip dùng thuốc nâng huyết áp, can thiệp từ dễ đến khó. Sau hai tiếng đồng hồ căng thẳng, các chuyên gia thở phào khi người bệnh đã được cứu sống.
Nhiều năm cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim, bác sĩ Long cho biết, biểu hiện của cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim là đau thắt, đau nặng tức sau xương ức, cơn đau có thể lan lên cằm hoặc cánh tay trái, kèm theo đó bệnh nhân có thể vã mồ hôi, khó thở. Bệnh nhân may mắn được người nhà đưa đến viện cấp cứu kịp thời. Thời gian cấp cứu tốt nhất là 2-4 tiếng, 6 tiếng là nguy hiểm. Nếu trễ hơn "giờ vàng", bệnh nhân có thể đối diện những biến chứng nguy hiểm như suy tim, vỡ tim, suy hô hấp, trụy mạch và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Long thông tin thêm, trước đây nhồi máu cơ tim thường gặp ở người trên 60 tuổi, gần đây nhiều trường hợp cấp cứu ở độ tuổi trẻ, dưới 50 tuổi. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng cấp cứu bệnh nhân nam 48 tuổi, không có tiền sử bệnh nền. Do công việc, người bệnh thường xuyên uống rượu, nghỉ ngơi thiếu khoa học.
Theo thống kê mỗi năm, thế giới có 17,9 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim có tỷ lệ tử vong trên 70%. Bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa, có trường hợp dưới 30 tuổi. Tỷ lệ người trẻ nhập viện tăng 5-10% mỗi năm. Theo bác sĩ Long, bệnh có mối liên quan đến lối sống nên mỗi người có thể phòng ngừa bằng cách cách sau.
Ăn uống khoa học
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim là do môi trường sống, thói quen sinh hoạt, ăn ít hơn thức ăn tự nhiên, ăn nhiều đồ hộp, đồ ăn nhanh, tẩm ướp nhiều gia vị. Đây là những điều kiện thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa mạch máu, kéo theo đó là gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Do đó, dinh dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh lý xơ vữa mạch máu, bao gồm cả bệnh lý xơ vữa động mạch, nguồn gốc chủ yếu của bệnh lý nhồi máu cơ tim.
Mỗi người nên ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây giúp bạn no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn do làm giảm thời gian rỗng dạ dày, giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu. Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất thiết yếu như kali, canxi.
Bạn dung nạp thực phẩm giàu omega-3 trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu... Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các axit béo Omega-3 hữu ích trong việc hạ huyết áp, giảm sự hình thành của các mảng xơ vữa bám trong động mạch, giảm nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch...
Bên cạnh đó, vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ chống lại LDL cholesterol. Vitamin E có trong các loại thực phẩm như: bơ, rau xanh đậm, dầu thực vật và các sản phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt... Ngoài ra, bạn bổ sung vitamin C giúp giảm lượng cholesterol trong máu, giữ cho động mạch trở nên thông thoáng và dẻo dai, tốt cho người bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim.
Đồng thời, mỗi người hạn chế thức ăn nhanh, chất béo xấu, giảm muối, giảm hấp thụ chất béo xấu, tăng chất béo tốt, hạn chế món ăn chiên, nội tạng động vật...
Tập thể dục
Bệnh cạnh dinh dưỡng đúng, duy trì hoạt động thể dục thể thao là một cách hiệu quả giúp trái tim khỏe mạnh, giảm nguy cơ phát triển các vấn đề về tim. Bài tập giúp giảm huyết áp, tăng lipoprotein mật độ cao (HDL), giảm căng thẳng, cải thiện khả năng tim bơm máu vào cơ thể bằng cách chuyển oxy ra khỏi máu một cách hiệu quả. Tập thể dục cũng có thể giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch như tiểu đường, cholesterol cao, béo phì.
Cử tạ, đi bộ nhanh, yoga, bơi, bài tập ngắt quãng có thể giúp cơ thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch. Mỗi người nên duy trì 30 phút tập luyện mỗi ngày. Nếu làm việc tại văn phòng, mỗi người nên đứng lên vận động tại chỗ bằng các động tác đơn giản sau 30 phút.
Tinh thần thoải mái
Mức độ căng thẳng cao có thể tác động tiêu cực đến trái tim. Khi căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra một chất gọi là cortisol, yếu tố góp phần làm tăng huyết áp, tăng cholesterol và lượng đường trong máu dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, áp lực công việc, học hành, việc tránh xa stress hoàn toàn rất khó. Tuy nhiên, mỗi người hãy học cách kiểm soát bằng cách thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc bận rộn. Đồng thời, mỗi người cố gắng duy trì giấc ngủ ngon.
Lê Nguyễn