Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh nhân Nguyễn Kim Xuân (ngoài 60 tuổi, quận 12, TP HCM) nhập viện trong tình trạng có khối phình mạch máu đường kính 6 cm ở cẳng tay. Bà bị suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo chu kỳ cách đây 8 năm qua đường mạch máu (thông động tĩnh mạch tự thân) được mổ tạo trước đó.
Qua quá trình sử dụng đường mạch máu này để chạy thận, mạch máu từ từ phình lên, cho tới khi to gần bằng cẳng tay người bệnh. Không chỉ vậy, khối phình này còn bị nhiễm trùng. "Nếu không xử lý kịp thời, khối phình có thể biến chứng gây nhiễm trùng huyết hoặc viêm nội tâm mạc. Thêm vào đó, bệnh nhân bị tăng huyết áp nên khối phình có nguy cơ vỡ, đe dọa tính mạng người bệnh", tiến sĩ Dũng nói.

Khối phình mạch máu to gần bằng cẳng tay của bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành hội chẩn để lên kế hoạch phẫu thuật lấy khối phình cho bệnh nhân. Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, khó khăn lớn nhất của cuộc phẫu thuật này là vừa phải giải quyết tổn thương ở đoạn mạch máu bị phình, vừa phục hồi đường cầu nối động – tĩnh mạch (AVF) để người bệnh có thể tiếp tục chạy thận nhân tạo theo chu kỳ. Vì thế, ca mổ đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm xử lý đoạn mạch một cách khéo léo, nếu không sẽ làm hư mạch máu, mất cơ hội chạy thận của bệnh nhân.
Sau ca mổ kéo dài hơn ba giờ, các bác sĩ đã lấy ra toàn bộ khối phình, sau đó nối lại đoạn mạch lành để bệnh nhân tiếp tục chạy thận. Sức khỏe bà Xuân hồi phục tốt và xuất viện một ngày sau đó.
Kỹ thuật xử trí bảo toàn mạch máu AVF
Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng cho biết, mạch máu AVF (còn gọi là cầu nối AVF) là cầu nối động - tĩnh mạch được tạo ra ở các bệnh nhân trước khi tiến hành chạy thận nhân tạo. Tình trạng phình mạch máu AVF xảy ra khi mạch máu giãn ra để đáp ứng lưu lượng máu tăng lên, đôi khi tạo thành một túi chứa đầy máu. Nguyên nhân là do thành mạch máu yếu cộng với bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng (bên trái) và ekip bác sĩ Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM thực hiện ca phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
"Khoảng 20% bệnh nhân chạy thận có những đoạn mạch máu phình lên, tùy mức độ lớn nhỏ. Không phải tất cả vị trí mạch bị phình này đều cần điều trị. Các khối phình nhỏ, ổn định thường có thành dày nên có thể điều trị nội khoa, đồng thời tiếp tục theo dõi để đảm bảo chúng không phình to hơn", bác sĩ Dũng nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Dũng khuyến cáo thêm, với những đoạn mạch phình to, nguy cơ bị nhiễm trùng và vỡ ra là rất lớn. Mặt khác, người bệnh còn đối mặt với biến chứng nhiễm trùng huyết hoặc viêm nội tâm mạc (vi khuẩn xâm nhập vào máu) nguy hiểm tính mạng. "Vì thế trong những trường hợp này, việc phẫu thuật để lấy khối phình và tái tạo mạch máu AVF giúp bệnh nhân tiếp tục chạy thận cần được tiến hành càng sớm càng tốt", bác sĩ Dũng nhận định. Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ toàn bộ khối phình và bảo toàn đoạn mạch máu cho người bệnh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, để phòng ngừa biến chứng phình mạch máu AVF ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo, người bệnh cần điều trị huyết áp ổn định trước và trong quá trình chạy thận. Ngoài ra sau khi lọc máu, chỉ cần dùng ngón tay đè nhẹ vào các vị trí rút kim khoảng 10 phút. Không nên rút kim thứ hai cho đến khi vết kim thứ nhất đã ngừng chảy máu. Sau khi máu ngừng chảy, dùng gạc băng lại tại chỗ, không quấn băng xung quanh cánh tay. Lấy gạc ra sau 4-6 tiếng điều trị lọc máu.
Thu Hà