Bà Hồ Thị Hảo (75 tuổi, Lâm Đồng) nhập viện trung tuần tháng 10 trong tình trạng đau tức vùng bụng. Qua siêu âm và chụp CT, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một khối phình động mạch chủ bụng ở dưới thận, kích thước 60 mm, đồng thời động mạch chậu bên phải cũng bị phình lớn lên đến 50 mm - gấp hơn 6 lần kích thước bình thường, nguy cơ vỡ cao.
Ca mổ khó vì khối phình to, bệnh nhân lớn tuổi
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, đây là trường hợp nguy hiểm trên nền bệnh nhân lớn tuổi, khối phình lớn, có vị trí thành động mạch rất căng, mỏng. Nếu không can thiệp kịp thời, khối phình sẽ bị vỡ, toàn bộ lượng máu tràn ra ổ bụng, đe dọa tính mạng người bệnh.
"Vì túi phình lớn và nằm sau phúc mạc, vị trí tổn thương ngay phía dưới động mạch thận, kéo dài xuống động mạch chậu. Trong đó, động mạch chậu bên phải phình rất lớn nên phẫu thuật viên cần xác định phẫu tích phải rất cẩn thận, kiểm soát được vị trí lành trước và sau của tổn thương", bác sĩ Dũng nói.
Bác sĩ Dũng giải thích, ở người Việt Nam, động mạch chủ thường có kích thước khoảng 18 mm, phụ nữ có thể nhỏ hơn; còn động mạch chậu có kích thước 7-8 mm. Nếu túi phình còn nhỏ và chưa có triệu chứng, bệnh nhân có thể chưa cần can thiệp ngoại khoa, chỉ kiểm tra theo dõi định kỳ. Điều trị phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch đặt stent graft được chỉ định khi khối phình có đường kính lớn hơn 55 mm, phát triển nhanh hoặc có tình trạng cao huyết áp khó kiểm soát.

Ca phẫu thuật phức tạp kéo dài 6 giờ đồng hồ với sự phối hợp của các bác sĩ nội khoa, phẫu thuật, gây mê hồi sức, chăm sóc tích cực của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Can thiệp nội mạch đặt stent graft là kỹ thuật ít xâm lấn, dụng cụ stent graft được đưa vào động mạch từ động mạch đùi ở bẹn người bệnh, lên tới vị trí khối phình và đặt cố định trong lòng động mạch. Với kỹ thuật này, vì không có vết mổ lớn nên bệnh nhân có thể hồi phục nhanh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng, không phải tổn thương nào cũng phù hợp đặt stent. Trong trường hợp này, khối phình lớn lan tới cả 2 động mạch chậu thuộc nhóm có hình thái tổn thương không phù hợp để thực hiện kỹ thuật đặt stent graft.
Sau khi hội chẩn cho bà Hảo, các bác sĩ Trung tâm tim mạch quyết định chọn phương án phẫu thuật. Ca mổ tương đối phức tạp, có nguy cơ cao cho người bệnh 75 tuổi do túi phình mặc dù ở dưới động mạch thận nhưng lan tới động mạch chậu cả 2 bên. Động mạch chậu bên phải kích thước 50 mm qua hẳn chỗ chia cho các nhánh chậu ngoài và chậu trong. Êkip mổ phải kiểm soát được động mạch chủ bụng dưới động mạch thận, sau đó phẫu tích bộc lộ toàn bộ động mạch chậu, cuối cùng tiến hành cắt toàn bộ túi phình thay bằng một đoạn ống ghép nhân tạo chữ Y.
Bệnh nhân phục hồi sau 2 ngày phẫu thuật
Ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ nhưng nhờ kinh nghiệm, sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp chặt chẽ của đội ngũ các bác sĩ nội khoa, phẫu thuật, gây mê hồi sức, chăm sóc tích cực Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khối phình đã được xử lý. Ngày thứ 2 bệnh nhân có thể rút nội khí quản, ngồi dậy đi lại, ăn uống, vận động nhẹ nhàng.

Huyết khối trong lòng khối phình động mạch chậu lớn gấp 6 lần bình thường của cụ bà 75 tuổi.
Chị Võ Thị Ngân, người nhà bệnh nhân chia sẻ, sau ca phẫu thuật, sức khỏe mẹ của chị khá ổn định, chỉ nằm hồi sức một ngày rồi về phòng, hôm sau có thể đi lại nhẹ nhàng. Trong thời gian nằm viện, các bác sĩ rất chu đáo, thăm bệnh 2 lần mỗi ngày; điều dưỡng chăm sóc liên tục. Tình trạng của bà rất ổn, huyết áp điều hòa, ăn uống và đi lại bình thường. Gia đình không nghĩ bà sẽ hồi phục nhanh như vậy.
Phình động mạch chủ và phình động mạch chậu là tổn thương mạch máu thường gặp. Bệnh thường tiến triển âm thầm nhưng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng cho biết, 70-80% trường hợp chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn nặng, dọa vỡ hoặc đã vỡ. Ban đầu người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu không điển hình như đau tức bụng, ăn chậm tiêu; một số ít trường hợp có thể sờ thấy khối trên thành bụng, đập theo nhịp tim. Khi có biểu hiện đau bụng nhiều là đã ở giai đoạn dọa vỡ hoặc đã vỡ. Nếu người bệnh tới bệnh viện kịp thời thì tỷ lệ cứu được 30-40%. Song nếu được tầm soát sớm, điều trị chủ động với kỹ thuật can thiệp đặt stent graft hoặc phẫu thuật, tỷ lệ cứu sống người bệnh lên tới 95-97%.

Hệ thống máy móc hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giúp tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý mạch máu.
Người trên 60 tuổi, người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch như huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid... nên được tầm soát phình động mạch chủ bụng định kỳ. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ phình hoặc giãn động mạch chủ, bác sĩ sẽ kết hợp chụp CT để xác định hình thái tổn thương và quyết định có cần xử lý ngay không. Hệ thống chụp CT 768 lát cắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có thể phát hiện sớm những tổn thương động mạch chủ cũng như mạch máu toàn thân để xử trí kịp thời.
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Ngọc An